Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới ngày càng sôi động thời điểm cận Tết. (Ảnh: Int) |
Theo ghi nhận của Thời báo Kinh Doanh, ngày 27/1 (tức ngày 15 tháng Chạp), nhu cầu đổi tiền mới cho các hoạt động dịp Tết Nguyên đán 2021 của người dân đang rất "nóng". Nhiều người đã, đang liên hệ với nhân viên ngân hàng thương mại hỏi về việc đổi tiền mới để lì xì, đi chùa, lễ hội…
Trên các trang mạng, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết cũng quảng cáo rầm rộ với mức phí đổi tiền từ 3 - 15% tùy mệnh giá; mệnh giá càng nhỏ thì phí càng cao…
Ngoài dịch vụ đổi tiền lẻ mới, trên các chợ mạng hiện nay còn xuất hiện loại hình có tên “tiền lướt”. Hiểu đơn giản đây là tiền đã từng được lưu thông trên thị trường nhưng vẫn đảm bảo độ mới từ 80 - 95%. Mức phí đổi “tiền lướt” rẻ hơn so với tiền mới, chỉ từ khoảng 2 - 5% tùy vào mỗi mệnh giá.
Theo chuyên gia pháp lý, đây là hành vi vi phạm pháp luật và đang được cơ quan chức năng siết chặt xử lý. Bên cạnh đó, chuyên gia khuyến cáo với những giao dịch dễ dàng qua mạng, việc đổi tiền lẻ hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một số rủi ro mà người dân có thể gặp khi đổi tiền trên mạng là tiền giả, lừa đảo. Theo đó, đổi tiền online cũng như trực tiếp có nguy cơ bị đổi thiếu tiền; tiền bất hợp pháp, tiền giả do không có tổ chức, trụ sở rõ ràng. Khi bị nhận tiền giả, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, người đổi còn gặp rủi ro khi phải chứng minh nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có.
Do vậy, chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thận trọng, không nên đổi tiền, mất phí, nhất là sử dụng dịch vụ đổi tiền online, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Mới đây, cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu kể từ năm 2021, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tuyệt đối không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả nhân viên, cán bộ Ngân hàng Nhà nước.
UBND TP.HCM cũng đã ban hành văn bản yêu cầu Công an, Cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp với với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền lẻ trái phép.
Huyền Anh