Trước đó, tại cuộc họp về tình hình thu phụ phí theo cước vận tải biển của hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam (ngày 18/3), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan rà soát, đánh giá thực tế việc thu các loại phí, phụ phí của các hãng tàu ngoại để xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh.
20 doanh nghiệp bị “sờ gáy”
Trước tình trạng hãng tàu thu phí vô tội vạ, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ đề xuất quy định về danh mục các loại phụ phí theo cước vận tải biển được áp dụng tại Việt Nam, thực hiện kê khai và kiểm soát các loại phụ phí…
Ông Trần Huy Trường, Phó chánh thanh tra Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã lên danh sách các hãng tàu biển nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, các công ty đại lý hãng tàu để tiến hành kiểm tra việc thực hiện chính sách thuế và phí. Cụ thể, đã lựa chọn 20 hãng tàu biển lớn và đại lý tàu để tiến hành kiểm tra ngay trong tuần này.
![]() |
Các hãng tàu ngoại bị thanh tra vì “chặt chém” phụ phí
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc các hãng tàu biển nước ngoài áp đặt thu thêm một số loại phí, phụ phí theo cước vận tải biển đã làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Do đó, đoàn thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chính sách thuế, phí của các hãng tàu, trong đó gồm nội dung áp đặt thu các loại phí, phụ phí.
“Đoàn kiểm tra đã chọn lựa các hãng tàu lớn, gồm 20 đơn vị tập trung ở cảng biển khu vực TP.HCM, Hải Phòng. Việc thanh tra sẽ thực hiện ngay trong tháng 4 để sớm có kết quả báo cáo Chính phủ” – Bà Mai nói. Danh sách các hãng tàu lớn bị “sờ gáy” lần này đã không được tiết lộ.
Theo thống kê của Cục hàng hải Việt Nam, đến tháng 10/2014, có 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, đảm nhận vận chuyển khoảng 88% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Các hãng tàu đang áp đặt khoảng 12 loại phụ phí như: phí dịch vụ container THC, phí mất cân đối container (CIC), phí tắc nghẽn cảng (PCS), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí lưu kho bãi, phí hóa đơn…
Đơn cử: lấy lý do tuyến đường dẫn vào cảng Hải Phòng thường xuyên bị tắc nghẽn, gây chậm chuyến, làm phát sinh chi phí vận hành tàu nên các hãng tàu đồng loạt thu phí tắc nghẽn cảng (PCS) từ vài năm nay. Mặc dù các doanh nghiệp đã phản ứng gay gắt tình trạng lạm thu phí nhưng vẫn phải chấp nhận nộp vì đang phụ thuộc quá lớn vào các hãng tàu biển nước ngoài.
Vẫn chạy theo giá sữa
Một vấn đề “nóng” được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, chất vấn lãnh đạo Bộ Tài chính là việc kiểm soát đăng kí, kê khai của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa. Vì gần đây, sau khi Bộ Tài chính siết chặt việc kiểm tra, thanh tra giá sữa thì các doanh nghiệp cũng có nhiều chiêu thức, thủ đoạn đối phó ngay. Đơn cử, thay đổi mẫu mã sản phẩm, độ tuổi trên nhãn sữa dù thành phần, chủng loại sữa vẫn giữ nguyên như cũ…
Hơn nữa, quy định mới yêu cầu phải loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành sữa, nhằm giảm giá bán. Nhưng thực tế, giá sữa vẫn chưa có dấu hiệu giảm mà thậm chí, lại “nhấp nhổm” tăng lên. Như trường hợp Dutch Lady, hãng này cho biết sẽ tăng giá sữa thêm 17% nữa. Vậy Bộ Tài chính đã kiểm soát vấn đề này như thế nào? Và đến nay, Bộ này vẫn chưa công bố kết quả đợt thanh tra doanh nghiệp sữa vào cuối 2014 dù cuộc kiểm tra giá cước vận tải đã công bố kết quả?
Tuy nhiên, trước những băn khoăn này thì thông tin phản hồi từ nhà điều hành lại khá hạn chế.
Đại diện Cục quản lý giá cho hay, Bộ tài chính đã có công văn chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra việc kê khai giá sữa, bóc tách chi phí quảng cáo trong giá thành. Hạn chót thực hiện là ngày 15/4/2015. “Trên cơ sở kê khai giá của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đánh giá, kiểm tra việc này. Sau ngày 15/4, xem doanh nghiệp kê khai giá thế nào thì chúng tôi mới trả lời được giá có tăng hay không” – Vị đại diện này nói, cho biết, giá sữa nhập khẩu về Việt Nam qua kê khai hải quan vẫn chưa có biến động. Và không trả lời câu hỏi “Kết quả kiểm tra giá sữa vì sao chậm công bố”.
Với sản phẩm sữa mới, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai giá theo quy định, có tăng giá thế nào… thì Bộ sẽ tiến hành kiểm tra. Do đang trong giai đoạn áp giá trần đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nên doanh nghiệp cũng không thể “vượt trần” được.
Bên cạnh đó, việc áp dụng phí bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/5/2015 tới đây sẽ khiến giá mặt hàng thiết yếu này tăng mạnh. Trước lo ngại này, bà Vũ Thị Mai cho biết, quan điểm điều hành là sẽ không gây biến động lớn với giá xăng dầu khi áp dụng loại phí môi trường này. Bộ Tài chính sẽ sử dụng các công cụ thuế suất thuế nhập khẩu và quỹ bình ổn giá để giữ ổn định giá xăng dầu không tăng cao.
Hiện nay, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với xăng là 20%, với dầu là 5%. Khi Việt Nam kí kết Hiệp định thương mại FTA với nhiều nước, sẽ áp chính sách ưu đãi thuế thuế nhập khẩu thấp. Nhưng các doanh nghiệp muốn hưởng ưu đãi thuế này thì hàng xăng dầu phải có CO xuất xứ.
Thu Hằng