Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại, ở thời điểm hiện tại, thanh khoản mua vào, bán ra ngoại tệ luôn duy trì ở mức cao, nhu cầu vay ngoại tệ cũng không ngừng gia tăng. Điều này đã giúp các nhà băng thu được khoản lãi đậm nhờ kinh doanh ngoại hối.
Báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng đã hé lộ những con số lợi nhuận tăng trưởng mạnh, trong đó ngoài mảng dịch vụ, kinh doanh ngoại hối cũng đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của nhiều ngân hàng.
Lợi nhuận kinh doanh ngoại hối tăng cao
Theo thống kê, 20 ngân hàng cỡ lớn và trung bình gồm Vietcombank, BIDV, Sacombank, LienVietPostBank, ACB, VietCapitalBank, MBB, VPBank, Techcombank, HDBank, ABBank, SeABank, VietBank, Kienlongbank, Bac A Bank, TPBank, VIB, NCB, VietABank, Saigonbank có lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 4.293 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Trong đó, 16/20 nhà băng có tăng trưởng dương ở mảng kinh doanh ngoại hối, nhiều ngân hàng còn tăng trưởng rất cao, trên 100%.
Chẳng hạn, trong báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, Vietcombank dù lợi nhuận từ mảng kinh doanh ngoại hối giảm 6% so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt con số "mơ ước" hơn 1.600 tỷ đồng.
Còn Techcombank, ba quý đầu năm có lãi tới 246,699 tỷ đồng, tăng 43,276 tỷ đồng so với cuối năm 2017; VietCapitalBank hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi 115 tỷ đồng (tăng gần 3 lần), động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận.
VIB đạt mức lợi nhuận 20,738 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối của Sacombank trong quý III tăng mạnh so với cùng kỳ đạt 153,702 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 312,883 tỷ đồng.
ACB trong quý III đạt 160,887 tỷ đồng, tăng 106,294 tỷ đồng so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đạt 307,896 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2017 (179,577 tỷ đồng).
VPBank cùng kỳ năm ngoái bị lỗ tới 43 tỷ đồng thì ba quý đầu năm nay có lãi tới 251 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết cho vay ngoại tệ bằng cách chuyển dần từ giao dịch cho vay sang mua – bán ngoại tệ đã giúp các ngân hàng hưởng lợi từ doanh thu kinh doanh ngoại hối.
Vài năm qua, ngành ngân hàng đã theo đuổi mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế, bằng cách thắt chặt tín dụng ngoại tệ nhằm giảm bớt ảnh hưởng của đồng USD tới nền kinh tế trong nước.
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
NHNN cũng đang xây dựng đề án hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Kinh doanh ngoại hối đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của nhiều ngân hàng |
Gửi ngoại tệ có dấu hiệu tăng
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, nhận định chấm dứt dần cho vay gửi ngoại tệ, chuyển dần sang quan hệ mua – bán là chính sách đúng đắn, phù hợp của nhà điều hành cần được khẩn trương thực hiện.
Có thể thấy dù NHNN siết tín dụng ngoại tệ, nhưng doanh thu và lợi nhuận từ mảng kinh doanh này ở nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh.
Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết hiện nay, kim ngạch xuất/nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh nên nhu cầu mua và vay ngoại tệ ở các doanh nghiệp tăng cao.
Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đủ thanh khoản để cung cấp cho nhu cầu của doanh nghiệp nhờ tiền gửi ngoại tệ của khách hàng đang có dấu hiệu tăng bất chấp lãi suất huy động USD ở mức 0%.
Thống kê báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 của các ngân hàng thương mại cho thấy nhiều nhà băng vẫn gia tăng huy động ngoại tệ.
Đứng đầu vẫn là ba "ông lớn" ngân hàng nhà nước là Vietcombank, VietinBank và BIDV. Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần có thể kể đến những cái tên như: MB, Techcombank, ACB, LienVietPostbank…
Có thể nói, trong năm 2018, thị trường tiền tệ chứng kiến sự biến động mạnh. Trên thị trường thế giới, đồng USD liên tục tăng giá, còn Nhân dân tệ lại mất giá, trong khi tiền đồng của Việt Nam cũng ít nhiều bị tác động, ảnh hưởng và mất giá gần 3% so với thời điểm đầu năm.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, đây cũng là cơ hội tốt cho các tổ chức tín dụng biết kinh doanh ngoại tệ cũng như tạo thanh khoản cao mua vào – bán ra trên thị trường này.
Hiện, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5- 6,0%/năm.
Ngày 30/10, tỷ giá trung tâm VND/USD được NHNN công bố ở mức 22.724 đồng/USD, tăng 2 đồng so với hôm trước. Với biên độ +/- 3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 23.405 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.043 đồng/USD.
Thanh Hoa