Đầu tháng 8, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giao dịch ở mức 23.761, tăng gần 0,8% so với thời điểm cuối tháng 6 và tăng 0,5% so với đầu năm.
Nhiều khả năng tỷ giá tiếp tục tăng
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nỗ lực giảm lãi suất điều hành. Bởi một trong những nguyên nhân chủ yếu là các ngân hàng đang dè chừng biến động tỷ giá.
Dự báo áp lực đối với tỷ giá có thể tăng dần, điều này sẽ khiến VN-Index khả năng sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh. (Ảnh minh họa) |
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán MBS đã nhấn mạnh quan điểm thận trọng trước đà tăng của tỷ giá trong thời gian gần đây. Theo đó, tỷ giá VND/USD biến động mạnh trong hai tuần gần đây, tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm sau khi giữ ổn định và đi ngang trong tháng 7. So với cuối tháng 7, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng 170 đồng và hiện giao dịch ở mức 23.840 đồng/USD.
Bàn về nguyên nhân khiến tỷ giá leo thang, MBS cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện là yếu tố chính khiến VND giảm giá so với USD. Trong thời gian qua, NHNN đã có các động thái hạ lãi suất quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và để tỷ giá VND/USD biến động ở mức thấp. Vào ngày 14/8/2023, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm 1,5-2% lãi vay, áp dụng với cả khoản vay hiện hữu.
“Các động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp mạnh mẽ của NHNN đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, khuyến khích nắm giữ USD qua đó gây sức ép lên VND”, báo cáo nêu.
Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm VND ở mức 0,2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%. Đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Tại báo cáo Triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023, Shinhan Bank nhận định trước những áp lực từ nền kinh tế toàn cầu, tỷ giá VND/USD có thể tăng trong ngắn hạn.
Theo các chuyên gia của Shinhan Bank, bối cảnh kinh tế khó khăn đang khiến cho nhu cầu quốc tế sụt giảm, làm xuất khẩu cầm chừng khiến nguồn thu ngoại tệ bị yếu đi, ảnh hưởng tới tỷ giá. Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ yếu đi cũng đang gây áp lực lên VND.
SSI Rearch cũng cho rằng, áp lực đối với tỷ giá có thể tăng dần khi NHNN vẫn duy trì sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của mình đối với các NH Trung ương lớn khác. Bởi mức chênh lãi suất USD - VND đang ở mức khá cao và tạo áp lực rút vốn ra khỏi Việt Nam. Đồng thời giai đoạn này, VND còn phải chịu áp lực mang tính mùa vụ từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI… Đó cũng là các yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023.
VN-Index có thể xuất hiện điều chỉnh nhưng không đáng lo
Mặc dù đánh giá đà tăng của tỷ giá VND/USD có thể làm ngừng lại quá trình nới lỏng tiền tệ song Chứng khoán MBS cho rằng, điều này chưa thể khiến NHNN đảo chiều chính sách. Tuy nhiên, diễn biến gần đây sẽ khiến NHNN thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhiều khả năng NHNN sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi Fed có động thái hạ lãi suất vào năm sau.
Đánh giá tác động tỷ giá đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, MBS nhìn nhận, kỳ vọng NHNN hạ lãi suất điều hành cũng là một trong các động lực hỗ trợ đà tăng của TTCK trong 4 tháng vừa qua. Cho nên, nếu tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng trong các ngày tới, nhiều khả năng TTCK sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh từ 3-5%.
Dưới góc nhìn tích cực, TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ ra 3 yếu tố giúp tỷ giá khó sốt trở lại và NHNN có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành.
Cụ thể, chỉ số USD Index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD Index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay. Đồng thời, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng nhưng vẫn có dư địa để can thiệp thông qua thuế, phí và cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.
“Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm, NHNN có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Dự đoán, tỷ giá năm 2023 - 2024 sẽ duy trì ổn định. Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, TTCK có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”, TS. Nghĩa nhận xét.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank dự báo, nhiều khả năng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm vào nửa cuối năm, qua đó kích thích tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước mắt về thanh khoản, cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất - kinh doanh. Đó sẽ là những yếu tố sẽ tác động tích cực tới thanh khoản TTCK trong 6 tháng cuối năm 2023.
Chia sẻ trên trang cá nhân, TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên tại Đại học Lincoln, Vương Quốc Anh phân tích một số yếu tố tác động lên lên thị trường hiện nay. Cụ thể, tỷ giá tiếp tục tăng khiến rủi ro ngắn hạn trở nên đáng chú ý. Bên cạnh đó, với hiệu ứng niêm yết của cổ phiếu VFS (VinFast) trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq có thể tạo tác động tích cực với nhóm cổ phiếu “họ Vin” – nhóm chi phối chỉ số. Kết hợp 2 yếu tố này có thể tạo ra thế cân bằng cho chỉ số. Trong khi đó, việc NHNN yêu cầu giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5-2% sẽ tốt cho TTCK.
“Do vậy, thị trường chung nghiêng về tích cực nhiều hơn”, TS. Quách Mạnh Hào nhận định.
Hải Giang