Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức triển khai hướng dẫn các tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin người bán hàng theo quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP.
Để tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử và đảm bảo việc tiếp nhận thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh qua TMĐT, Tổng cục Thuế đã xây dựng Cổng dữ liệu thông tin TMĐT và dự kiến chính thức vận hành vào tháng 12.
Các sàn thương mại điện tử không cung cấp thông tin theo quy định của cơ quan thuế có thể bị phạt 2 - 16 triệu đồng. |
Theo đó, các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng hạn các thông tin chung của thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc.
Riêng đối với sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các thông tin chung nêu trên còn phải cung cấp thông tin về doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn TMĐT.
Trường hợp sàn TMĐT không lưu giữ đầy đủ các thông tin chung nêu trên thì vẫn phải thực hiện việc cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, đúng hạn theo đúng thực tế thông tin lưu giữ tại sàn; đồng thời có trách nhiệm yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân bổ sung để sàn TMĐT cập nhật thông tin theo đúng quy định để cung cấp cho cơ quan thuế.
Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau. Trường hợp ngày cuối cùng trùng với ngày nghỉ, lễ theo quy định thì thời hạn cung cấp là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ lễ đó. Nghị định 91 có hiệu lực từ kỳ cung cấp thông tin của quý IV/2022, thời hạn chậm nhất là 31/1/2023.
Trường hợp sàn TMĐT không cung cấp thông tin theo quy định thì cơ quan thuế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
Cụ thể: Phạt tiền từ 2 - 6 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế, tài khoản của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 5 ngày trở lên.
Phạt tiền từ 6 - 16 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế, trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định tại Điều 18 Nghị định này; Không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc Nhà nước...
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy Shopee vẫn là sàn TMĐT phát sinh doanh thu cao nhất, lên tới 243,2 triệu USD vào năm 2021, kế sau là Lazada với 145 triệu USD...
Hoạt động TMĐT tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng những năm gần đây khi năm 2015, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam chỉ khoảng 4 tỷ USD nhưng đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD, tăng gấp 12 lần chỉ sau 10 năm. Thậm chí, Google còn dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD.
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, sau hơn 7 tháng triển khai và chính thức đi vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (từ ngày 21/3/2022), hiện có 37 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế thành công với tổng số tiền 3.177 tỷ đồng. Trong đó, số thuế nộp qua cổng là gần 1.900 tỷ đồng và còn lại gần 1.300 tỷ qua hình thức khấu trừ nộp thay. Đáng chú ý, có một số nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế lớn như: Meta (Facebook), Google, Microsoft, Tiktok, Netflix, Apple... |
Thanh Hoa