Đây là thông tin được ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (thuộc Bộ Tài chính), chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính chiều ngày 30/3.
Liên quan đến những vấn đề về hoàn thuế giá trị gia tăng, ông Minh cho biết, cơ quan thuế được Quốc hội, Chính phủ giao hoàn thuế khoảng 150.000 tỷ đồng/năm. Ngành thuế đã và đang triển khai hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật đối với tất cả các ngành hàng, nhất là đối với lĩnh vực hoàn thuế xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp còn có tình trạng vi phạm sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp, dẫn đến khó khăn trong công tác hoàn thuế xuất nhập khẩu.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại họp báo. |
Ông Đặng Ngọc Minh dẫn chứng, vào năm 2021, cơ quan Công an và cơ quan Thuế tại Phú Thọ đã làm chuyên án phát hiện gian lận về hoàn thuế của các doanh nghiệp dăm gỗ.
“Pháp luật đã quy định rõ về việc hoàn trước, kiểm tra sau. Nếu có rủi ro thì kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Lĩnh vực dăm gỗ đã có nhiều vụ việc được phát hiện gian lận và chuyển cơ quan an ninh điều tra. Trong quá trình xác minh, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói.
Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định việc quản lý hoàn thuế đã có quy định hết sức chặt chẽ của pháp luật, ngành thuế luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoàn thuế. Phó Tổng cục trưởng đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, tránh những sai sót hoặc tình trạng gian lận dẫn đến không thể thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.
Liên quan đến nội dung thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến chính sách ưu đãi đầu tư.
Tuy nhiên, với thuế tối thiểu theo chương trình BEPS (hiện 143 nước tham gia, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 100), để tránh cạnh tranh, các nước đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu ở mức 15%. Một số đối tác lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... sẽ áp dụng từ năm 2024. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam.
Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ theo dõi tình hình triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu của các nước, bao gồm cả những nước có đầu tư ra nước ngoài và những nước nhận đầu tư từ nước ngoài, tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu và nghiên cứu hướng dẫn của OECD về thuế suất tối thiểu toàn cầu để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, quyết định việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam cho phù hợp, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam.
Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề rất mới và quan trọng, nên Bộ Tài chính rất mong nhận được những thông tin đóng góp ý kiến từ cơ quan báo chí, doanh nghiệp để đạt được mục tiêu chính sách và thực hiện chính sách hiệu quả.
Tại buổi họp báo chiều 30/3, Bộ Tài chính cũng có báo cáo về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách Nhà nước quý I.
Theo đó, tính đến cuối quý I, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 491.500 tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán và tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số thu nội địa quý I đạt khá chủ yếu do tập trung thu các phát sinh quý IV/2022 và chênh lệch so quyết toán thuế năm 2022 như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân...
Cũng trong quý I, có 4 khoản thu đạt tiến độ thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ là thuế bảo vệ môi trường; thu phí, lệ phí; các khoản thu về nhà, đất và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Thanh Hoa