Theo thống kê quý I/2022, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã đề nghị điều chỉnh gần 10.900 trong tổng số hơn 48.300 hồ sơ, chiếm 22% - nghĩa là cứ khoảng 5 hồ sơ nộp lên có 1 bộ bị trả về để sửa giá, do kê khai giá bán quá thấp.
Tình trạng nhiều hồ sơ mua nhà đất bị trả vì khai mức chuyển nhượng không đúng mức giao dịch thông thường tại TP Hồ Chí Minh đang gây ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ tại các cơ quan thuế. Số tiền thuế thu thêm được là 147 tỷ đồng, bằng 83% của cả năm 2021, trong đó riêng Chi cục thuế TP Thủ Đức đã trả gần 2.000 trong tổng số hơn 10.700 hồ sơ, thu thêm hơn 92 tỷ đồng.
![]() |
Trong quý I/2022, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã đề nghị điều chỉnh gần 10.900 trong tổng số hơn 48.300 hồ sơ, chiếm 22% vì có mức kê khai giá thấp. |
Thời gian qua, cơ quan quản lý liên tục có động thái "siết" thuế chuyển nhượng bất động sản, nhưng tình trạng khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế ("nhà 2 giá") để trốn thuế vẫn rất phổ biến.
Tổng cục Thuế đã xây dựng Đề án "Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh bất động sản", nhằm có cơ sở pháp lý đấu tranh với hình thức gian lận thuế qua chuyển nhượng bất động sản.
Trong Đề án, Tổng cục Thuế đề xuất biện pháp chỉ thanh toán qua ngân hàng mà không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh bất động sản; đồng thời đề xuất bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế đề xuất sửa đổi một số quy định liên quan đến Luật Đất đai, để khung giá đất của UBND các tỉnh, thành phố sẽ dần tiệm cận với giá của thị trường. Theo các chuyên gia, đây là điểm mấu chốt để tránh cho việc người dân khai giá bán thấp hơn giá trị giao dịch.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định 489/2022 về thực hiện quy chế chuyển tin báo vụ việc về thuế, hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra.
Quy chế nêu rõ cơ quan thuế chuyển tin báo về tội phạm, đề nghị xác minh, điều tra; chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra khi phát hiện người nộp thuế có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, có dấu hiệu tội phạm như trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn…
Đáng chú ý, một số hành vi chủ yếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật được Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế chú trọng là hàng hóa, dịch vụ bán ra có căn cứ xác định giá bán, giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng thấp hơn giá thị trường trong các trường hợp có giá trị giao dịch lớn như chuyển nhượng vốn, bất động sản, phương tiện giao thông vận tải...
Ông Thái Minh Giao, Cục phó Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, cho biết cơ quan thuế chỉ chuyển những hồ sơ mua bán nhà đất có dấu hiệu trốn thuế cho cơ quan công an. Cơ quan thuế sẽ dựa trên những thông tin thu thập được qua công chứng, ngân hàng để xác định xem hồ sơ mua bán nhà đất đó có trốn thuế hay không. Mức trốn thuế trên 100 triệu đồng thì mới chuyển sang cơ quan công an điều tra làm rõ.
“Cơ quan thuế đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc mua bán nhà đất, hướng dẫn cụ thể, không phải trường hợp nào cũng chuyển”, ông Giao chia sẻ.
Thanh Hoa