Để có cơ sở pháp lý đấu tranh với hình thức gian lận này, Tổng cục Thuế đã xây dựng Đề án "Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh bất động sản". Liệu những quy định trong Đề án có bịt được hết các "kẽ hở" hiện nay không?
Bán nhà gần 5 tỷ, khai thuế chỉ 1 tỷ
Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Chi cục Thuế quận 10 đã phát hiện nhiều vụ mua bán căn hộ Hado Centrosa Garden có giá trị chuyển nhượng lên tới gần 5 tỷ đồng nhưng lại kê khai nộp thuế có giá trị chỉ bằng 1/5 (khoảng 1 tỷ đồng). Chi cục Thuế đã chuyển hồ sơ kiến nghị Công an điều tra làm rõ.
Tổng cục Thuế đề xuất biện pháp chỉ thanh toán qua ngân hàng mà không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh bất động sản. |
Theo quy định, người bán là cá nhân chuyển nhượng bất động sản phải đóng 2% thuế thu nhập cá nhân, còn doanh nghiệp bất động sản đóng 20% trên thu nhập, và nhiều loại phí, lệ phí khác. Tuy nhiên, hiện nay, không ít trường hợp đã tìm cách kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế, hoặc có hiện tượng ký 2 hợp đồng ghi giá khác nhau, nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Chia sẻ với VnBusiness, một cán bộ Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội cho hay, từ trước đến nay, hành vi khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp đi trong hợp đồng công chứng để giảm tiền thuế phải đóng là phổ biến trong giao dịch bất động sản.
Từ thông tin nghi vấn, cơ quan điều tra sẽ kiểm tra, rà soát từ các tổ chức công chứng và cơ quan thuế qua các giao dịch để chứng minh hành vi chuyển nhượng có dấu hiệu trốn thuế. Hoặc, cơ quan điều tra đánh giá về giá chuyển nhượng qua các lần đối với nhà đất đó. Nếu giá bán lần đầu với lần 2 (hoặc lần trước với lần sau) quá chênh lệch thì đó là một dấu hiệu. Hoặc sẽ so sánh giá bán với nhà bên cạnh. “Ví dụ cùng một diện khu đất hoặc căn hộ nếu một nhà bán 20 triệu/m2 nhưng nhà bên cạnh chỉ bán 10 triệu/m2 thì rõ ràng là có dấu hiệu trốn thuế”, vị này nói.
Trước tình trạng gia tăng “nhà 2 giá”, nhiều địa phương cũng đã chỉ đạo siết chặt việc mua bán bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế. Tại Lâm Đồng, năm 2021 vừa qua, cơ quan thuế đã phối hợp với các cơ quan chức năng mời và đấu tranh giá chuyển nhượng với gần 50 trường hợp, qua đó làm tăng thu gần gấp đôi tiền thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản là 863 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các Cục Thuế, điều tra xử nghiêm hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế, nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước.
"Cơ quan thuế đã phối hợp với các ban ngành để xây dựng dữ liệu giá bình quân trên thị trường, làm cơ sở để đấu tranh với người nộp thuế", ông Trần Phương, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, cho hay.
Chỉ thanh toán qua ngân hàng mà không dùng tiền mặt
Năm 2021, số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản trên cả nước là 21 nghìn tỷ đồng. Dù đã tăng tới 30% so với năm 2020, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng số thu này vẫn chưa tương xứng so với giao dịch thực tế.
Trước thực trạng gia tăng “nhà 2 giá”, Tổng cục Thuế đã xây dựng Đề án "Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh bất động sản" nhằm có cơ sở pháp lý đấu tranh với hình thức gian lận thuế qua chuyển nhượng bất động sản.
Trong Đề án, Tổng cục Thuế đề xuất biện pháp chỉ thanh toán qua ngân hàng mà không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Bà Lý Thị Hoài Thương, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho rằng, quy định này nhằm kiểm soát dòng tiền trong giao dịch bất động sản để có căn cứ, chứng minh việc thực hiện chống gian lận, trốn thuế.
Tổng cục Thuế cũng đề xuất bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế. TS. Hồ Văn Chương, giảng viên Học viện Tài chính cho biết, thực tế hiện nay khi phát hiện một giao dịch có dấu hiệu trốn thuế, cơ quan thuế phải chuyển cho công an điều tra. Tuy nhiên, với quy định mới trong Đề án, ngành thuế sẽ được “trao quyền” khi có đủ căn cứ. Như vậy, sẽ rút ngắn được quá trình đấu tranh chống gian lận và trốn thuế.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đề xuất sửa đổi một số quy định liên quan đến Luật Đất đai, để khung giá đất của UBND các tỉnh, thành phố sẽ dần tiệm cận với giá của thị trường. Theo các chuyên gia, đây là điểm mấu chốt để tránh cho việc người dân khai giá bán thấp hơn giá trị giao dịch.
Trao đổi với VnBusiness, Luật sư Lê Văn An, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: "Hiện nay, Luật Đất đai quy định, giá đất sẽ do UBND tỉnh quy định trên cơ sở khung giá của Chính phủ. Tuy nhiên, khung giá đất thường có tính ổn định lâu dài, trong khi giá đất trên thị trường biến động theo từng năm. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu sửa Luật Đất đai, trong đó có quy định về xác định giá".
Thanh Hoa