Chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lần đầu tiên được áp dụng vào nửa cuối năm 2020. Việc này giúp kích cầu để người dân, doanh nghiệp tăng mua sắm xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Qua đó, các nhà sản xuất, phân phối tiêu thụ được lượng ô tô tồn kho kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Đồng thời, các nhà sản xuất có cơ hội tăng sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, đáp ứng nhu cầu nội địa, hướng tới xuất khẩu sang khu vực ASEAN.
Chính sách này lần thứ hai được áp dụng từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022, lần thứ ba áp dụng vào nửa cuối năm ngoái. Nếu lần này được đề xuất và thông qua, lệ phí trước bạ sẽ có lần thứ tư giảm 50% và theo thông lệ, có thể sẽ áp dụng vào nửa cuối năm nay.
Trung bình, mỗi lần áp dụng chính sách này, thu ngân sách bị giảm khoảng từ 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, đây là công cụ hiệu quả giúp kích cầu tiêu dùng ô tô trong nước.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu giảm lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước. |
Các chuyên gia đánh giá, việc kích cầu cho thị trường ô tô trong nước vào thời điểm này càng quan trọng. Bởi theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng toàn thị trường trong tháng 4 chỉ đạt 24.350 xe, giảm 11% so với tháng trước, kéo theo 4 tháng đầu năm, doanh số bán hàng toàn thị trường cũng giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Chính sách giảm lệ phí trước bạ năm nay mới đang ở giai đoạn kiến nghị, đề xuất nhưng nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối ô tô cũng như khách hàng tại Việt Nam.
Thực tế những năm trước đây cho thấy, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đã trở thành "bài thuốc" hữu hiệu, góp phần "cứu" thị trường ô tô khỏi nguy cơ khủng hoảng.
Điển hình, trong 6 tháng cuối năm 2020 khi áp dụng chính sách này, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 209.584 xe, bình quân 34.930 xe/tháng, tăng gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Tương tự, từ tháng 12/2021-5/2022 lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu tăng 2,67 lần so với 6 tháng trước đó, lên 398.177 xe. Trong đó, số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trong tháng 12/2021 là 103.722 xe (tăng 2,67 lần so với tháng 11/2021); số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2022 là 294.455 xe (tăng từ 1,2 đến 2 lần so với các tháng cùng kỳ năm 2021 và chiếm gần 50% tổng số xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký năm 2022).
Theo các chuyên gia, việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sức mua trong nước, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Bên cạnh đó, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký, nên số thu từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng có thể tăng.
Với doanh số "ảm đạm" những tháng đầu năm, các đại lý ô tô đều kỳ vọng chính sách giảm lệ phí trước bạ nếu được áp dụng sẽ tạo một "cú hích" cho doanh số trong nửa cuối năm. Doanh nghiệp thì bán được nhiều hàng hơn, còn người mua xe cũng sẽ tiết kiệm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng chi phí lăn bánh.
Nhiều đại lý ô tô cho biết, các hãng xe và họ ở thời điểm hiện tại vẫn liên tục tung nhiều ưu đãi lớn để kéo doanh thu và tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đang có tâm lý chờ đợi những thông tin chính thức về chính sách giảm lệ phí trước bạ của Chính phủ để có thể hưởng các "ưu đãi kép".
Thanh Hoa