Bộ Tài chính vừa cập nhật tình hình trong lĩnh vực tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Theo đó, thu NSNN 7 tháng năm nay ước tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Chi NSNN ước chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Cụ thể, tổng thu NSNN tháng 7 ước đạt gần 150.000 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu NSNN 7 tháng ước đạt 1,19 triệu tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán năm và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi NSNN tháng 7 ước đạt 152.600 tỷ đồng. |
Trong đó, một số khoản thu chính như thu nội địa tháng 7 ước đạt 126.200 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng ước đạt 995.000 tỷ đồng, bằng 68,9% dự toán năm và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thu từ dầu thô tháng 7 ước đạt 4.800 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng ước đạt 34.400 tỷ đồng, bằng 74,7% dự toán năm và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 7 ước đạt 18.800 tỷ đồng và lũy kế 7 tháng ước đạt 158.500 tỷ đồng, bằng 77,7% dự toán năm và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN tháng 7 ước đạt 152.600 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng, tổng chi NSNN ước đạt 948.300 tỷ đồng, bằng 44,7% dự toán năm và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chi thường xuyên 7 tháng ước đạt 652.500 tỷ đồng, bằng 51,8% dự toán năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ; chi đầu tư phát triển đạt 232.100 tỷ đồng, bằng 34,3% dự toán và giảm 8,4%; chi trả nợ lãi 63.200 tỷ đồng, bằng 56,5% dự toán và tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, trong tháng 7, cán cân NSNN bội chi 2.600 tỷ đồng. Tuy vậy, tính trong 7 tháng qua, cán cân NSNN vẫn bội thu 239.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ 1/7 Chính Phủ thực hiện chính sách cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: "đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương", với dự kiến thu - chi năm 2024, cùng việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Cụ thể, đến hết 2022, tổng ngân sách trung ương và tích lũy của địa phương cho cải cách tiền lương trong 3 năm tới là hơn 430.000 tỷ đồng. Con số này tăng lên 486.000 tỷ đồng vào cuối 2023, trong đó 23% là ngân sách trung ương.
Riêng năm 2024, dự toán tổng chi ngân sách (chi thường xuyên, đầu tư phát triển, lương...) là trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 24.100 tỷ so với 2023. Số tổng chi gần 2,12 triệu tỷ đồng, nếu tính cả 19.000 tỷ đồng số thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán 2024 của một số địa phương để điều chỉnh lương cơ sở 1,8 triệu đồng một tháng.
Trong số này, tiền dự toán chi cho cải cách tiền lương năm 2024 là 55.400 tỷ đồng, trong đó 48.000-49.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, còn lại là địa phương.
Thanh Hoa