Hiện, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá đang ở mức 75%. Tại dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất mặt hàng thuốc lá sẽ áp dụng thuế hỗn hợp, bao gồm mức thuế suất 75% hiện tại cộng thêm thuế tuyệt đối.
Phương án 1, giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung thuế tuyệt đối. Cụ thể, từ năm 2026, mỗi bao thuốc lá sẽ chịu thêm 2.000 đồng thuế tuyệt đối. Từ năm 2027 - 2030, mức thuế này sẽ tăng thêm 2.000 đồng mỗi năm, đạt 10.000 đồng/bao vào năm 2030.
Phương án 2, cũng giữ nguyên thuế suất 75%, nhưng ngay từ năm 2026 sẽ áp dụng thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau sẽ tăng thêm 1.000 đồng/bao, đến năm 2030 đạt 10.000 đồng/bao.
![]() |
Nhiều ý kiến đề xuất thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá 2 năm/lần. |
Góp ý cho dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi, Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) thống nhất cao áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với sản phẩm thuốc lá.
Tuy nhiên, VTCA cho rằng cần nghiên cứu cân nhắc mức độ tăng về mức thuế tuyệt đối, tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu trồng nguyên liệu của nông dân, nhà máy sản xuất, kinh doanh thương mại. Đồng thời, nhằm tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc do tăng nhanh, đột ngột.
Đối với 2 phương án mà Bộ Tài chính đưa ra, VTCA cho rằng việc tăng thuế thêm 2.000 đồng, đặc biệt mức tăng 5.000 đồng ngay từ năm đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến ngành thuốc lá, riêng với sản phẩm thuốc lá nhãn hàng phân khúc giá thấp, việc tính thêm mức thuế tuyệt đối trên mỗi bao thuốc lá sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, theo ý kiến từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, các nhà máy thuốc lá đề nghị mức thuế tuyệt đối đến năm 2030 tối đa là 3.000 đồng/bao. Còn theo ngành y tế thì cần tăng thêm thuế để giảm thiểu tác hại của thuốc lá.
Theo VTCA, việc thống nhất các quan điểm, đảm bảo lợi ích của tất cả là điều thực sự khó khăn. Do vậy, Hiệp hội kiến nghị cần có đánh giá kỹ thêm tác động trên nhiều mặt khi tăng mức thuế cao, lộ trình liên tục hàng năm.
Hơn nữa, việc tăng thuế sẽ tăng giá bán thuốc lá, trong khi việc kiểm soát, quản lý đối với hàng nhập lậu còn nhiều phức tạp, người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng thuốc lá nhập lậu, thuốc lá điện tử lậu, không kiểm soát chất lượng, nguy hiểm đến người dùng.
Bên cạnh đó, VTCA cũng dẫn chứng một số nước như Malaysia, Luật thuế TTĐB thay đổi, tăng thuế TTĐB của thuốc lá tăng cao, đột biến, nhằm giảm số lượng người hút thuốc lá, tăng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, mục tiêu không đạt được do người tiêu dùng chuyển sang hút thuốc lá lậu, nhà máy sản xuất trong nước gặp khó khăn, thu thuế TTĐB giảm thiểu.
Cụ thể, Malaysia liên tiếp tăng thuế TTĐB với sản phẩm thuốc lá, năm 2015 tăng thuế TTĐB thêm khoảng 40%. Bên cạnh đó, từ năm 2016-2018 tăng thêm thuế doanh thu với thuốc lá lên 2 lần (5% lên 10%).
Thực tế diễn ra sau 5 năm khi tăng thuế: giá bán lẻ thuốc lá tại Malaysia tăng 25%, lượng thuốc lá hợp pháp giảm 55%. Thuốc lá lậu bùng nổ, chiếm 65% thị phần năm 2020. Ba nhà sản xuất thuốc lá lớn nhất đã đóng cửa các nhà máy ở Malaysia; thu ngân sách sụt giảm sau khi tăng thuế TTĐB; nhưng số lượng người hút thuốc lá không giảm.
Bên cạnh đó, đối với người nông dân trồng cây thuốc lá (địa bàn vùng cao, vùng xa như Tây Nguyên, Lạng Sơn…) cần có thời gian để chuyển đổi sang canh tác loại cây trồng khác.
Từ phân tích và số liệu trên, VTCA nêu rõ, tại các hội thảo trước, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc, tính toán mức phương án tăng thuế tuyệt đối và giãn cách thời gian tăng, thay vì hàng năm thì nên tăng 2 năm một lần để có thể đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối của thuốc lá điếu tăng khoảng 5.000 đồng/bao.
Trường hợp không chấp nhận đề xuất của nhóm ý kiến trên, VTCA đề nghị chọn Phương án 1 của Dự luật: từ năm 2026 tăng 2.000 đồng/bao mỗi năm và đến 2030, tổng mức tăng 10.000 đồng/bao.
Thanh Hoa