![]() |
Các thương vụ mua, bán lan đột biến trên mạng đều ghi rõ tên, số tiền và hình ảnh người mua vì nhiều mục đích khác nhau (Ảnh vụ giao dịch lan gần 19 tỷ đồng tại Hà Nam). |
Thời gian gần đây xuất hiện “cơn sốt” hoa phong lan đột biến gien từ Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình vào đến tận Tây Nguyên, Cần Thơ. Những vụ “đấu giá” hàng chục, hàng trăm tỷ đồng lần lượt xuất hiện, gây rung động dư luận.
Điển hình, ngày 15/3, trên facebook của một cá nhân đã đăng tải thông tin về việc nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan var tại tỉnh Quảng Ninh. Tổng giá trị giao dịch này là 288,5 tỷ đồng, trong đó có 1 cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 12/3, trên mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18.888.888.888 đồng. Thương vụ này diễn ra tại tỉnh Hà Nam.
Nhận định về các thương vụ hoa lan khủng gần đây, ông Trần Tuấn, nguyên Chủ tịch Hội hoa lan Việt Nam nhận định, mua bán lan với giá cao là việc của thị trường. Với những cuộc giao dịch lớn thế thì cũng có việc là thật, có việc chưa thật. Cần có sự vào cuộc của Cục Thuế, Bộ Tài chính hay Kiểm lâm trong câu chuyện này.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn nhận định, thực ra những người làm ăn chân chính họ cũng muốn đóng thuế một cách nghiêm túc, có một số trường hợp ảo thì người ta sẽ trốn thuế. “Nếu dòng tiền chảy như này thì nhà nước cũng có những thất thoát", ông Tuấn nói.
Mới đây, Cục Thuế một số tỉnh như: Hà Nam, Quảng Ninh cũng đã khẳng định, qua xác minh ban đầu, 99% vụ chuyển nhượng nêu trên là giả, các đối tượng bằng các kênh khác nhau đưa thông tin nhằm phục vụ các mục đích của họ.
Theo quy định Luật thuế, thương vụ bán theo hình thức thương mại, có sự mua đi, bán lại qua nhiều người, doanh nghiệp, cá nhân sẽ phải kê khai thuế và nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế, qua kiểm tra, phát hiện có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen sẽ bị truy thu và xử phạt theo pháp luật thuế hiện hành.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, nếu có cơ sở, bằng chứng giao dịch mua bán lan đột biến từ chục tỷ đến trăm tỷ đồng, người bán có thể bị truy thuế từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
Trước thông tin trên, Cục Thuế tỉnh Sơn La vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với cơ quan Thuế.
Theo đó, Cục Thuế Sơn La cho hay, trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Sơn La có các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoa phong lan đột biến gen có giá trị lớn.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cục Thuế tỉnh Sơn La, Chi cục Thuế khu vực các huyện, thành phố chưa nhận được hồ sơ đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh hoa phong lan đột biến gen.
“Để thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý thuế, các chính sách thuế, chống thất thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, Cục Thuế tỉnh Sơn La yêu cầu các tổ chức, cá nhân có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với cơ quan Thuế.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế, qua kiểm tra, phát hiện có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen sẽ bị truy thu và xử phạt theo pháp luật thuế hiện hành”, công văn của Cục Thuế tỉnh Sơn La nêu rõ.
Lãnh đạo Cục Thuế Sơn La cũng thừa nhận trước tiên cũng chỉ yêu cầu sự tự giác của các cá nhân trên, còn việc thu thuế đối với các giao dịch lan đột biến thì đến nay, ngay cả toàn ngành thuế cũng chưa thu được.
"Vì vậy, khi làm chúng tôi sẽ phải phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật khác”, đại diện Cục Thuế Sơn La cho hay.
Thanh Hoa