Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đồng thời gửi văn bản xin ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện văn bản pháp lý này, trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến từ tháng 10/2024 và dự kiến thông qua vào tháng 5/2025.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm. Đặc biệt, nước ngọt cũng sẽ thuộc đối tượng chịu thuế này.
Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Song, các mức này được Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh theo lộ trình từ năm 2026-2030. Việc này nhằm tăng giá bán thêm 10%, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm mức thuế và đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiều mặt hàng. |
Cụ thể, với rượu 20 độ trở lên, cơ quan này chọn phương án áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030. Rượu dưới 20 độ chịu thuế 50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.
"So với năm 2025, giá bán rượu, bia sẽ tăng 20% vào năm 2026", Bộ Tài chính cho biết, các năm sau đó, giá các mặt hàng này sẽ thêm 2-3%, tùy theo lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, đồ uống Việt Nam, đến năm 2025, cả nước sản xuất khoảng 4,6 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu, 9,1 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD.
Bộ Tài chính cho rằng tiêu dùng rượu, bia nếu lạm dụng sẽ gây nhiều tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đồ uống có cồn (rượu, bia) có tính chất gây nghiện, dễ dẫn đến lạm dụng.
"Áp dụng thuế suất cao là cần thiết nhằm nâng nhận thức và hành động về tác hại do dùng nhiều rượu, bia", nhà chức trách cho hay. Bộ Tài chính cũng cho rằng thuế suất cao giúp giảm tiêu thụ, hạn chế lạm dụng sản phẩm này.
Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm có cồn, tính từ khi có Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1990 đến nay, đã được thay đổi 12 lần, kể cả sản phẩm chịu thuế, thuế suất, nồng độ cồn. Thuế suất thời điểm cao nhất đối với rượu (trừ rượu dưới 20 độ) và bia các loại là 90%, gấp 2 lần thời điểm thấp nhất là 45%.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chưa tăng thuế do kinh tế còn khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp rượu bia. Ông Nguyễn Duy Vương, Trưởng phòng đối ngoại, Công ty THHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - cho hay, tình hình kinh tế năm 2024 dự đoán sẽ còn tiếp tục khó khăn, do vậy việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm này chưa phù hợp. Điều đó có thể dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề không chỉ với doanh nghiệp mà với cả chuỗi cung ứng, người tiêu dùng.
Đại diện Heineken Việt Nam cho biết, chính sách thuế tương đối hiện tại chưa tạo động lực bứt phá cho các doanh nghiệp đầu tư nâng cao công nghệ sản xuất để có thể đạt được những sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cao, đảm bảo sức khỏe người dùng. Trong khi đó, với xu thế phát triển của quốc tế, các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, cuộc sống an toàn, môi trường xanh, bền vững... đang được tất cả các quốc gia trên thế giới chú trọng.
Trong suốt những năm vừa qua, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt dẫn đến tăng giá sản phẩm bia rõ ràng chưa phải là công cụ hiệu quả giúp điều tiết tiêu dùng sản phẩm bia. Hiện tại, người dân cũng đang dần hạn chế tiêu dùng các mặt hàng đồ uống do kinh tế khó khăn và nhận thức phải uống có chừng mực.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng sáng tạo, đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm phù hợp, nhằm thúc đẩy hành vi tiêu dùng an toàn hơn, chừng mực hơn đối với sản phẩm đồ uống có cồn.
Ngoài rượu, bia, tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng mức thuế và mở rộng nhóm hàng hóa chịu sắc thuế để điều tiết thu nhập của những người có thu nhập cao.
Cụ thể, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh trên 4.000 cm3 sẽ áp dụng mức thuế suất 110-150% (theo lộ trình từ 2026-2030); tàu bay, du thuyền áp dụng thuế suất 35%; kinh doanh dịch vụ casino, trò chơi điện tử có thưởng chịu thuế 35%; kinh doanh vũ trường chịu thuế 40%...
Cùng với đó, dự thảo quy định rõ thuốc lá chịu thuế gồm thuốc lá điếu, sợi, xì gà, thuốc lào hoặc các dạng khác. Trước mắt, thuế suất với thuốc lá sẽ giữ ở 75% nhưng tuỳ mặt hàng sẽ được bổ sung mức thuế tuyệt đối tăng dần.
Cụ thể, từ 2026-2030, mức thuế tuyệt đối áp cho thuốc lá điếu sẽ tăng dần từ 5.000-10.000 đồng một bao, xì gà từ 50.000-100.000 đồng một điếu; các loại thuốc lá sợi, chế phẩm từ cây thuốc lá tăng từ 50.000-100.000 đồng mỗi 100gr/ml.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt như kể trên và lộ trình tăng dần mức thuế này từ 2026-2030, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới tại Việt Nam sẽ giảm từ 42,7% (năm 2022) về mức 38,6% vào năm 2030. Ngân sách thu được từ sắc thuế này riêng với mặt hàng thuốc lá sẽ tăng từ mức 17.600 tỷ đồng (2022) lên mức 39.200 tỷ đồng vào năm 2030.
Thanh Hoa