Tại văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan được lấy ý kiến rà soát, đánh giá góp ý sửa đổi các nội dung trong Luật Thuế thu nhập cá nhân, bao gồm: đối tượng nộp thuế; thu nhập chịu thuế; thu nhập được miễn thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp; thuế suất; giảm trừ gia cảnh và nhóm vấn đề khác.
Bộ Tài chính đề xuất các bộ, ngành, địa phương có ý kiến cần tổng hợp xem có bao nhiêu nội dung cấp thiết cần sửa đổi ngay trong năm 2022 theo hình thức Luật sửa đổi, bổ sung nhiều Luật và bao nhiêu nội dung chưa cấp thiết và sẽ sửa đổi khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân tổng thể.
Nhiều chuyên gia cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng là "lạc hậu, vô cảm", nhất là trong bối cảnh kinh tế vừa qua đã tăng trưởng nhiều. |
Liên quan quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, suốt 2 năm qua, VnBusiness liên tiếp có bài viết lấy ý kiến người nộp thuế và chuyên gia kinh tế nêu một số bất cập của chính sách này và đề xuất hướng sửa đổi.
Cụ thể, năm 2020, cơ quan quản lý thuế đã điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu và mức giảm trừ người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu. Tuy nhiên, cách tính thuế thu nhập cá nhân mà cơ quan này đưa ra gây nhiều tranh cãi.
Nhiều chuyên gia cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng là "lạc hậu, vô cảm", nhất là trong bối cảnh kinh tế vừa qua đã tăng trưởng nhiều so với mức điều chỉnh này.
Trong khi đó, quy định ngưỡng chịu thuế đối với cá nhân kinh doanh là 100 triệu đồng được các chuyên gia cho là quá thấp. Ngưỡng thu nhập chịu thuế này, theo chuyên gia, thậm chí chưa đủ trang trải cho nhu cầu cuộc sống của họ, nhưng lại yêu cầu họ nộp thuế là chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến 7 bậc, với mức thuế cao nhất lên tới 35% hiện nay không còn phù hợp. Do đây là biểu thuế đánh vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động, nhưng mức thuế suất cao nhất hiện tại lại cao gần gấp đôi so với thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng biểu thuế này nên giảm còn càng ít bậc càng tốt nhưng phải xác định đúng ngưỡng thu nhập chịu thuế.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra suốt hơn 2 năm qua, người nộp thuế thu nhập cá nhân không hề được hưởng chính sách hỗ trợ gì dù thu nhập của họ bị sụt giảm sâu... Trong khi đó, bản chất của chính sách thuế là điều tiết từ những người có thu nhập cao để hạn chế tối đa bất cân xứng thu nhập, chênh lệch giàu nghèo, củng cố nguồn thu ngân sách để thực hiện nghĩa vụ công. Nhưng cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện tại chưa đáp ứng được điều này, giới chuyên gia đánh giá.
Thanh Hoa