Đây là thông tin được ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng Cục Thuế cho biết tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về công tác thuế của Đoàn đại biểu Thành Phố Hà Nội. Liên quan đến nội dung: "Các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản", tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý của cử tri Hà Nội.
Bí mật ở phạm vi nào?
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, công tác quản lý thuế, thu thuế đã đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn thu. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với việc thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước (NSNN) được nâng cao; bộ máy cơ quan thuế ngày càng kiện toàn, đội ngũ công chức thuế ngày càng chuyên nghiệp.
Ngành thuế vẫn muốn ngân hàng cung cấp thông tin về tài khoản khách hàng. (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Đặc biệt, số thu ngân sách do Cục Thuế Hà Nội thực hiện luôn hoàn thành vượt mức dự toán được giao. Theo thống kê, thu nội địa giai đoạn 2009 - 2018 đạt 1.420.828 tỷ đồng. Với kết quả trên, số thu tăng bình quân mỗi năm khoảng 35%/năm.
Đề cập đến Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ông Mai Sơn kiến nghị với các đại biểu Quốc hội tiếp thu các ý kiến góp ý vào dự thảo để sớm hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua. Đây sẽ là cơ sở cho công tác quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Góp ý về nội dung “Các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản" được đưa ra trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, Tiến sỹ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính đặt câu hỏi: "quy định trên có đồng nghĩa các ngân hàng không có trách nhiệm cung cấp các giao dịch thanh toán?". Và cho rằng: cần đảm bảo bí mật với khách hàng của các ngân hàng thương mại nhưng bí mật nhưng phạm vi nào.
Theo Trưởng khoa Thuế và Hải quan, giao dịch của người nộp thuế nào cơ quan thuế nghi ngờ thì ngân hàng hoàn toàn có thể cung cấp thông tin.
Liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin của người nộp thuế, nội dung này này từng được từng được ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng Cục Thuế cho biết, việc quy định cung cấp thông tin về số tài khoản của người nộp thuế là nhằm giảm thiểu thủ tục cho người nộp thuế, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý thuế và các bên liên quan theo cơ chế tự động.
"Hiện nay đã có 51 ngân hàng ký kết với cơ quan thuế về việc chia sẻ thông tin, trong đó có 49 ngân hàng đã triển khai", ông Huy cho hay.
Thương mại điện tử chưa được quản lý tốt
Cũng về trách nhiệm với ngân hàng thương mại trong quản lý thuế, dự thảo có nêu nội dung: ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.
Bà Hương Vũ, Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ernst & Young Việt Nam nói, đây không phải vấn đề lần đầu đưa vào luật nhưng điều khó là các ngân hàng thương mại không có chuyên môn thuế để biết khấu trừ như thế nào. Nghị định và thông tư phải thật rõ ràng. Điều này nhằm tránh việc các ngân hàng thương mại gây khó cho nhà đầu tư.
Có mặt tại buổi góp ý dự thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, hiện thương mại điện tử chưa được quản lý tốt. Bà lấy ví dụ về việc cơ quan thuế đã cố gắng phân loại các hình thức giao dịch khác nhau như bán hàng trên mạng xã hội, trên tivi, các cá nhân cung cấp dịch vụ cho Youtube, Google,.. nhưng số tiền thuế thu được chưa nhiều.
Nguyên nhân theo bà bởi cơ quan chức năng chưa quản lý được luồng tiền và không nắm chắc được giao dịch ngân hàng.
Theo bà, hiện tại, phía ngân hàng chỉ cung cấp cho cơ quan thuế các trường hợp vi phạm, trốn lậu thuế còn những tài khoản khác, cơ quan thuế không nắm được dù rằng có thể các tài khoản này được Google, Youtube trả hàng chục tỷ đồng. Do đó phải có cơ chế chia sẻ thông tin giữa tổ chức tín dụng và cơ quan thuế nhưng vẫn đảm bảo bí mật với người nộp thuế.
Không chỉ về phía ngân hàng, với nhiều trường hợp người bán giao hàng tận nơi thu tiền mặt thì làm sao quản lý được? Hoặc có trường hợp giao dịch trên mạng xong xóa lịch sử giao dịch đi thì phải phục hồi dữ liệu ra sao?
Điều bà muốn đặt ra là một mình ngành thuế không làm được mà phải phối hợp với các đơn vị chức năng khác ví dụ như cơ quan an ninh mạng.
Bà Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cũng tiếp thu những ý kiến đóng góp của cử tri về những vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Cụ thể, ý kiến của các cử tri về các nguyên tắc quản lý thuế, sau khi tiếp thu thì thấy rằng cần đưa các nguyên tắc quản lý thuế trong luật để đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
Liên quan đến giao dịch điện tử trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi (khoản 2, Điều 89 của dự thảo luật), bà Mai cho biết quy định trên đã cụ thể hóa các loại hóa đơn điện tử. Đây là bước tiến so với luật hiện hành và là hành lang pháp lý cơ bản để hiện đại hóa các hoạt động quản lý thuế áp dụng rộng rãi quản lý thuế với thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý thị trường…
Thanh Hoa