Nếu người bán hàng online không đăng ký kinh doanh, không kê khai thuế, cơ quan thuế vẫn có cách để truy tìm doanh thu từ nhiều năm trước để truy thu, xử phạt. Khi đó, số thuế phải nộp sẽ được tính bằng doanh thu nhân với thuế suất cao nhất của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 35%, đồng thời bị xử phạt 0,03%/ngày trên doanh thu. Kết quả là người kinh doanh qua mạng không còn lợi nhuận hoặc thua lỗ.
Thực tế, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế. Việc rà soát này được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh tăng quản lý với thương mại điện tử, từ giao dịch trên các sàn tới kinh doanh trực tuyến, livestream.
Người bán hàng online phải nộp thuế thu nhập cá nhân 0,5%, thuế giá trị gia tăng 1% nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. |
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm, cơ quan này rà soát, kiểm tra gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân về khai, nộp thuế. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.
Sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng thời gian gần đây khiến nhiều người kinh doanh hàng online, quảng cáo sản phẩm, nhà sáng tạo số… đã chủ động đăng ký, kê khai nộp thuế để tránh trường hợp bị truy thu, phạt tiền chậm nộp.
Nhân viên một công ty dịch vụ tư vấn thuế cho hay hiện có khá nhiều cá nhân, hộ kinh doanh online liên hệ với công ty để được tư vấn, hướng dẫn đăng ký kinh doanh, kê khai thuế. Phần lớn những người này từng bị truy thu, xử phạt về thuế. Một số người khác thì nhận được thông báo của cơ quan thuế về doanh thu kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa biết kê khai, nộp thuế ra sao.
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định, hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử (kinh doanh thông qua sàn, mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử khác) đều thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế TNCN nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Cụ thể, người bán hàng online nộp thuế TNCN 0,5%, thuế GTGT 1%. Người có phát sinh thu nhập từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số nộp thuế TNCN 2%, thuế GTGT 5%...
Theo cơ quan thuế, hộ và cá nhân kinh doanh online có trách nhiệm đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, tự kê khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế. Những chủ thể này có thể lựa chọn nộp thuế theo phương pháp khoán, kê khai, nộp thuế từng lần phát sinh.
Riêng hộ, cá nhân kinh doanh ủy quyền cho sàn thương mại điện tử thì chủ sàn có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay. Còn trường hợp cá nhân ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổ chức thì tổ chức đó có trách nhiệm khai thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu, đồng thời khai và nộp thuế TNCN thay cho cá nhân hợp tác kinh doanh.
Cơ quan thuế cho biết, hiện nay, ngành thuế có đầy đủ công cụ để quản lý thu thuế từ hoạt động bán hàng online. Một trong những giải pháp được ngành thuế thực hiện là kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành. Hiện, cơ quan này ghi nhận trên 663.000 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Ngành thuế cũng chia sẻ thông tin với Bộ Công Thương về 929 sàn thương mại điện tử, đối chiếu dữ liệu của 53.000 người kinh doanh từ 383 sàn, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki...
Tại Hà Nội, tỷ lệ rà soát khớp nối thông tin căn cước công dân và mã số thuế đạt hơn 99,8%. Qua đó, cơ quan thuế định danh được hàng trăm chủ sàn thương mại điện tử, hàng nghìn cá nhân kinh doanh qua mạng. Số thu 6 tháng trong lĩnh vực thương mại điện tử của Hà Nội đạt trên 10.000 tỷ đồng, trong đó thuế cá nhân (gồm livestream) tăng 79%.
Với ngành ngân hàng, Bộ Tài chính nắm thông tin từ 144 triệu tài khoản thanh toán, tăng hơn 20 triệu tài khoản so với cuối tháng 4. Trong đó, khoảng 10 triệu tài khoản của tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân tại ngân hàng.
Thanh Hoa