Theo Bộ Tài chính, nếu Việt Nam áp dụng quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn thì sẽ thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng có dự án đang được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế TNDN tại Việt Nam với số thuế thực tế thấp hơn mức tối thiểu (15%) và sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước về thuế TNDN từ những đối tượng này.
Đến nay, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và là quốc gia nhập khẩu vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15%.
Dự kiến ngân sách Việt Nam sẽ tăng thêm 14.600 tỷ đồng vào năm 2024 nếu áp thuế tối thiểu toàn cầu (Ảnh minh họa) |
Theo rà soát của Tổng cục Thuế, hiện có 619 tập đoàn đa quốc gia (khoảng 1.017 công ty thành viên tại Việt Nam) có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu EUR trở lên, trong đó có 438 tập đoàn có một công ty thành viên tại Việt Nam và 181 tập đoàn có nhiều công ty thành viên tại Việt Nam (576 công ty thành viên).
Theo số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn trong số trên chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu thuế này được áp dụng từ năm 2024.
Nếu các quốc gia khác đều áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024 mà Việt Nam không áp dụng thì các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng trên 14.600 tỷ đồng (Hàn Quốc hơn 10.700 tỷ đồng; Nhật Bản hơn 250 tỷ đồng; các quốc gia còn lại hơn 3.560 tỷ đồng…)
Tại Đề cương dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, trong đó cơ quan này đề xuất quy định Tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR). Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, nếu Việt Nam áp dụng đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (có doanh thu hợp nhất đạt tối thiểu 750 triệu EUR…) cũng có thể góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Hiện, Việt Nam cũng có các nhà đầu tư ra nước ngoài như: Viettel, PVN, Vingroup, Tổng công ty Cao su Việt Nam (VRG), Petrolimex và các ngân hàng thương mại..., trong đó có 2 tập đoàn có đầu tư lớn ra nước ngoài là Viettel và PVN.
Đối với Viettel, mức thuế suất thuế TNDN tại các nước đầu tư đều trên 15%, trừ tại Viettel Đông Timor. Như vậy, nếu Việt Nam áp dụng quy định IIR mà Đông Timor không áp dụng quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) thì sẽ có khả năng thu thêm phần thuế TNDN chênh lệch giữa thuế tối thiểu toàn cầu so với mức thuế thực tế Viettel phải nộp tại Đông Timor.
Còn với PVN, các dự án đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn tập trung chủ yếu là các dự án trong lĩnh vực dầu khí, chịu mức thuế suất thuế TNDN hoặc loại thuế tương tự tại các quốc gia khá cao từ 30% đến 60%. Do đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu hiện tại không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN.
Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Nghị quyết của Quốc hội sẽ giúp Việt Nam tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung. Đồng thời sẽ giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Việc các nước ban hành các chính sách ưu đãi thuế TNDN để thu hút đầu tư nước ngoài khiến cho hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận diễn ra ngày càng phức tạp. Các doanh nghiệp đã lợi dụng các cơ hội để chuyển lợi nhuận từ nước có thuế suất cao sang nước có thuế suất thấp hơn, từ đó xảy ra tình trạng thất thu thuế.
Do đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo một bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước hiện nay và giảm thiểu tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giữ vững nguồn thu thuế.
Thanh Hoa