![]() |
Thời gian qua đã phát sinh nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Tổng cục Thuế cũng lưu ý, trường hợp qua thanh tra, kiểm tra xác định công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế thì phải thu thập, củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý để chuyển thông tin và các dấu hiệu vi phạm đến cơ quan công an.
Lý do Tổng cục Thuế có văn bản này là vì thời gian qua đã phát sinh nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) để lập hồ sơ hoàn thuế không đúng quy định, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.
Có thể kể đến như vụ khởi tố Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (ThuDuc House) và Công ty CP thương mại Sài Gòn Tây Nam đã có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.
Hay vụ 4 công ty tại Hà Nội là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Europa, Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu An Khánh, Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ Minh Hải, Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thương mại Gia Bảo có hành vi mua bán hóa đơn trái phép.
Qua các vụ việc nêu trên, Tổng cục Thuế cho biết một số hành vi vi phạm chiếm đoạt điển hình như: các doanh nghiệp chỉ có hoạt động xuất nhập khẩu tiêu dùng như linh kiện điện tử, máy tính, cà phê, bún, phở, quần áo, bánh kẹo... mà hầu như không kinh doanh hàng hóa bán ra nội địa có đề nghị hoàn thuế do có hàng xuất khẩu.
Chẳng hạn, về nội dung chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng linh kiện điện tử, một số doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu (linh kiện điện tử, máy tính) có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau nhưng khi nhập khẩu thì một số doanh nghiệp khai báo giá trị rất thấp, khi xuất khẩu thì lại khai báo giá trị rất cao, chênh lệch khoảng hơn 50 lần; hay các lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp có giá trị rất cao, mỗi lô hàng xuất khẩu có trọng lượng chỉ vài kg đến vài chục kg nhưng trị giá khai báo lên đến vài tỷ đồng hay vài chục tỷ đồng. Việc này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về việc mua bán hóa đơn trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.
Tổng cục Thuế cũng nhấn mạnh một số doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sử dụng hóa đơn bán hàng của các doanh nghiệp có trụ sở tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu. Các công ty lập chứng từ, hồ sơ hoàn thuế khống, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, không có hàng hóa mua vào mua hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn.
Có trường hợp các cá nhân là người thân trong cùng một gia đình lập ra nhiều "công ty ma" để giao dịch lòng vòng nhằm chiếm đoạt tiền thuế, tiền hoàn thuế của Nhà nước...
Đáng chú ý, Tổng cục Thuế cũng chỉ ra trường hợp một số doanh nghiệp kinh doanh hàng lâm sản có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT nhưng có dấu hiệu rủi ro như: có sản lượng gỗ mua vào nhiều nhưng mua của các doanh nghiệp tại những địa bàn ít nguyên liệu gỗ; có vốn chủ sở hữu thấp nhưng có số lượng gỗ bóc bán cho các doanh nghiệp hoàn thuế GTGT lớn...
Do vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế một số tỉnh chủ động rà soát các trường hợp tương tự đối với các mặt hàng có rủi ro cao về hoàn thuế GTGT; đồng thời công khai thông tin về các công ty vi phạm pháp luật về thuế, các công ty có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp đến người nộp thuế để kịp thời ngăn chặn.
Huyền Anh