Ngày 28/2, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị lấy ý kiến về quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và các vấn đề khác có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, sau 10 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 từng bước được hoàn thiện, là cơ sở huy động khoản thu cho ngân sách nhà nước. Theo đó, giai đoạn 2013-2020, số thu từ đất đai trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách nhà nước. Như vậy, trong 9 năm qua, đã có khoảng 1,6 triệu tỷ đồng tiền thu từ đất.
Một số đại biểu kiến nghị giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện để đảm bảo sát với giá thị trường (Ảnh minh họa: Int) |
Mặc dù vậy, đến nay, một số quy định về tài chính đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, gây ra nhiều bất cập, thất thu ngân sách nhà nước.
Đưa ra ví dụ cụ thể từ điểm cầu tỉnh Đắk Nông, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước về đất năm 2022 đạt 689 tỷ đồng, chiếm 20% tổng thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, qua thực hiện xuất hiện nhiều vướng mắc, như xác định giá đất, bảng giá đất…
Theo đó, ông Yên cho rằng, việc xác định giá đất khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết khó thực hiện trên thực thực tế, vì khó đánh giá tính tăng giảm của điều chỉnh quy hoạch. Do đó, ông đề xuất cần xây dựng bảng giá đất theo vùng, theo vị trí, tùy thuộc từng tuyến đường đến từng thửa đất. Ngoài ra, giá đất tính tiền sử dụng đất cũng cần phân định rõ ràng trong hạn mức và ngoài hạn mức.
Ông Vũ Đình Xứng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh đánh giá, chính sách tài chính về đất đai gồm 2 nội dung cơ bản: giá đất và chính sách thuế. Chính sách về giá đất do Nhà nước quy định phải phù hợp với thị trường. Chính sách thuế phải là công cụ quản lý khoản thu tài chính về đất đai, nhằm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, tránh tình trạng đầu cơ, lũng đoạn về đất đai. Tuy nhiên, 2 vấn đề này hiện đang được quy định tại 3 Luật khác nhau (Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Quản lý ngân sách).
Để hiệu quả trong công tác quản lý, ông Xứng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Quốc hội đảm bảo đồng bộ giữa chính sách thuế, tài chính và Luật Đất đai, để có cơ chế thu đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu tăng thêm của giá trị đất mang lại.
Góp ý vào dự thảo Luật, một số đại biểu kiến nghị giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện để đảm bảo sát với giá thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đưa giá đất ra Hội đồng định giá độc lập xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất công, do đó Nhà nước quyết định mức giá để thị trường vận hành theo mức giá này. Vì Nhà nước là đại diện sở hữu toàn dân, có quyền quyết định giá đất, ở các quốc gia, ai có đất thì có quyền định giá, nên không thể chuyển quyền định giá cho một tổ chức nào. Chủ tài sản phải là người quyết định giá tài sản.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đặt vấn đề, việc xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn theo quy định có khả năng thực hiện không? Cần những điều kiện và lộ trình thực hiện thế nào? Có cần quy định về phương pháp xác định giá đất trong dự thảo Luật hay không?... Những vấn đề này cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ở góc nhìn chuyên gia, góp ý về giá đất cho dự thảo Luật, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, để xác định giá đất sát với giá thị trường cần ban hành nguyên tắc và phương pháp định giá tài sản, đồng thời khi định giá đất sẽ do các tổ chức cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện. Bên cạnh đó, các các chủ thể cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động định giá đất tại các địa phương, từ đó nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất và đạo đức của đội ngũ định giá viên.
Thanh Hoa