Liên quan tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ diễn ra tại một số tỉnh, thành phía Nam, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương, do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và các doanh nghiệp.
"Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu", người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.
Hiện nay tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ diễn ra tại một số tỉnh, thành phía Nam. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Theo đó, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình UBTV Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít, về mức sàn tối thiểu. Tham mưu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%, trình Chính phủ trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao thì tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% thuế giá trị gia tăng.
Về chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu, hiện nay quy định đối với 1 lít xăng chẳng hạn như A95 là 975 đồng, sau khi có đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp và đã thống nhất tăng lên 350 đồng. Như vậy 1 lít xăng A95 hiện nay thì chi phí định mức là 1.320 đồng.
"Bộ Tài chính luôn ủng hộ làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân và đảm bảo giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân. Chúng tôi đã tham mưu rất kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Người đứng đầu cơ quan quản lý tài khoá cũng nhấn mạnh hiện nay, vấn đề làm thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng.
Hiện nay, Việt Nam có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối; hay như đối với doanh nghiệp phân phối chúng ta cũng có đến 500 doanh nghiệp. "Vậy làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất?", Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ, đại lý bán lẻ xăng dầu). Yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng với nội dung ghi trên Giấy xác nhận đủ điều kiện, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động tiến hành chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Trước đó, ngày 7/10 Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời Bộ Công Thương về việc tăng chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Trong đó, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung trong nước trong mọi tình huống. Đồng thời, nghiên cứu phương án giảm trích lập và kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (nếu cần thiết) để việc điều chỉnh trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng không tác động đến giá cơ sở xăng dầu kỳ điều hành.
Thanh Hoa