Trao đổi VnBusiness, ông Trịnh Quang Khanh - Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, nếu so sánh với mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ thị trường ASEAN, Hàn Quốc thì rõ ràng việc giảm thuế không có ý nghĩa. Tuy nhiên, chính sách này sẽ là “đòn bẩy” để các thương nhân đầu mối chuẩn bị sẵn sàng đa dạng hoá thị trường, thêm nguồn cung, khi thị trường FTA khó khăn.
Giảm 10% thuế nhập khẩu xăng dầu
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có tác động lớn đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến mặt bằng giá cả, chỉ số giá tiêu dùng.
Trong khi đó, thị trường thế giới diễn biến phức tạp, nhất là do xung đột chiến sự Nga - Ukraine tác động đến nguồn cung và tăng giá bán xăng dầu trong nước. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn theo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5RON92, 21,95% đối với xăng RON95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.
Đến hết quý II/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 4,81 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá hơn 5 tỷ USD, lần lượt tăng 17,6% và 28,6% so với cùng kỳ năm 2021. |
Cùng với đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27/10. Theo đó, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%. Đây là mức điều chỉnh tăng thêm so với đề xuất trước đó là 8%.
Trao đổi với VnBusiness, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối ở phía Bắc cho biết, Với nhu cầu tiêu dùng cả nước mỗi năm 20,5-21 triệu m3, tấn, nguồn cung từ sản xuất trong nước đáp ứng 70% cầu tiêu dùng cả nước, nên 30% cầu còn lại vẫn phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ các nước.
Các thị trường nhập khẩu xăng dầu thành phẩm chủ yếu của Việt Nam là Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan...), Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là những thị trường Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu từ hiệp định FTA là 8%. Như vậy, so với mức thuế MFN vẫn còn thấp hơn 2%.
“Không có doanh nghiệp nào lại đi nhập khẩu với mức thuế cao hơn 2% cả. Đó là chưa kể tới chi phí vận chuyển từ Nga, Hoa Kỳ... tốn kém hơn rất nhiều so với Singapore, Hàn Quốc”, đại diện này cho hay.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết quý II/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 4,81 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá hơn 5 tỷ USD, tăng 17,6% về lượng và tăng 128,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 2 quý đầu năm 2022 chủ yếu tăng ở các thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc. Cụ thể, nhập khẩu từ Hàn Quốc là 1,95 triệu tấn, tăng 104,5% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc là 391 nghìn tấn, tăng 92,3%; trong khi đó nhập khẩu từ Malaysia là 781.000 tấn, giảm 45,8%; Singapore là 636 nghìn tấn, giảm 15,8%; Thái Lan là 580.000 tấn, giảm 1,7%.
Thêm cơ hội cho doanh nghiệp đa dạng nguồn cung xăng dầu
Bộ Tài chính cũng thừa nhận, hiện nay, mặt hàng xăng được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia có ký kết FTA với Việt Nam nên thuộc diện được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu FTA thấp hơn so với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN. Vì vậy cũng không có tác động nhiều đến ngân sách.
Đồng thời, việc giảm thuế cũng không khuyến khích cho doanh nghiệp mở rộng nhập khẩu từ thị trường MFN để hưởng ưu đãi giảm thuế, nhưng đây cũng là cơ hội mở ra cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường khác, tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN.
Đồng tình, ông Trịnh Quang Khanh nêu quan điểm: “Việc Chính phủ giảm giá nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống 10% không có ý nghĩa để góp phần giảm giá xăng dầu trong nước. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp đang thực hiện nhập khẩu xăng dầu theo FTA là 8%, nên doanh nghiệp chắc sẽ không nhập khẩu xăng dầu với mức thuế 10%. Nhưng lại có ý nghĩa rất lớn là giúp cho các thương nhân đầu mối chuẩn bị sẵn sàng, đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hoá thị trường, khi thị trường truyền thống thiếu hụt”.
Mặc dù vậy, Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhận định, trong thời gian tới, những thị trường FTA mà các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu xăng dầu khá ổn định, không có biến động, bởi đây là những thị trường lớn. Nhưng trong thời kỳ đầu năm khi nguồn cung cấp xăng dầu trong nước khó khăn, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải tăng cường nhập khẩu, thì chính sách giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp các doanh nghiệp tìm thêm nguồn cung từ các quốc gia khác như Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông… để bù đắp phần thiếu hụt hiện nay.
Gần đây, giá xăng trong nước đã có 4 kỳ điều chỉnh giảm liên tiếp. So với cuối tháng 6, mỗi lít xăng RON 95-III rẻ hơn khoảng 7.279 đồng/lít; E5 RON 92 giảm 6.680 đồng/lít; dầu diesel giảm 6.110 đồng/lít. Giá bán xăng dầu trong nước ở thời điểm hiện tại là: Xăng E5RON92 không cao hơn 24.629 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 25.608 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 23.908 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 24.533 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.548 đồng/kg. |
Thanh Hoa