Theo số liệu tại Sách Trắng thương mại điện tử của Bộ Công Thương, tổng giá trị hàng hóa và tiêu dùng thương mại điện tử tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng vượt bậc, từ 8 tỷ USD năm 2020 lên 16,4 tỷ USD năm 2022. Với khả năng tăng trưởng 35%/năm, quy mô thị trường dự kiến đạt 21,3 tỷ USD vào năm 2023 và 57 tỷ USD vào năm 2025.
Hiện, khoảng 60% dân số, tương đương 57 - 60 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.
Năm qua, số thuế thu từ thương mại điện tử bao gồm cả trong nước và ngoài nước là 8.632,5 tỷ đồng. |
Xu hướng mua sắm trực tuyến bùng nổ đã giúp ngày càng nhiều cá nhân, hộ kinh doanh kiếm thu nhập "khủng" từ các nền tảng như: Youtube, Google, Facebook... hay trên các sàn thương mại điện tử.
Theo đó, năm qua, số thu ngân sách trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số tăng mạnh. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Thuế cho thấy năm qua, số thuế thu từ thương mại điện tử bao gồm cả trong nước và ngoài nước là 8.632,5 tỷ đồng.
Trong đó, có 357 sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Từ đó, số thuế kê khai của các doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động thương mại điện tử cũng tăng, khoảng trên 536 tỷ đồng được nộp vào ngân sách.
Ngoài ra, thu thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài cũng ngày càng tăng. Thống kê đến nay đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là 8.096 tỷ đồng, trong đó đã có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua qua Cổng Thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.
Điều này cho thấy nhiều giải pháp quản lý thuế với thương mại điện tử đang phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong việc quản lý thuế với các cá nhân bán hàng qua các trang mạng xã hội.
Chị Vũ Lệ Hằng, một cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử tại TP Hà Nội cho biết: "Từ 2019 đến nay, gian hàng thương mại điện tử của tôi có doanh thu là 62,8 tỷ đồng. Tôi đã nộp vào ngân sách Nhà nước là 942,1 triệu đồng. Sau khi được cán bộ thuế hướng dẫn, tôi thấy phần trách nhiệm của mình, nghĩa vụ đóng thuế vào ngân sách nhà nước".
Ông Đặng Ngọc Minh,Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin: "Chúng tôi sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tập hợp, tập trung vào trang mạng xã hội có khối lượng giao dịch nhiều, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xác định được IP trên không gian mạng, tọa độ những người đăng ký. Tất cả theo chương trình định danh điện tử của Chính phủ, không còn trường hợp ẩn danh nữa. Đặc biệt trang mạng nổi tiếng thì cơ quan thuế có thông tin để tiếp cận. Và như vậy có thể quản lý như một doanh nghiệp và như một hộ kinh doanh bình thường. Vừa tuyên truyền vừa sử dụng các công nghệ để xác định và kiểm tra".
Đồng thời, Tổng cục Thuế tiếp tục hướng dẫn thống nhất việc tiếp nhận và xử lý thông tin từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, để hướng tới quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế và các nguồn thu thuế, tránh thất thu từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ngành thuế đã triển khai các ứng dụng bản đồ số như bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản, bản đồ số các mỏ khoáng sản, bản đồ số hộ kinh doanh. Từ đó, cơ quan thuế thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của người dân và giữa các hộ kinh doanh với nhau, tạo công bằng, minh bạch.
Thanh Hoa