Các doanh nghiệp xăng dầu cho biết, việc xuất hóa đơn mỗi mã bơm xăng dầu khiến doanh nghiệp hết sức trăn trở bởi chi phí đầu tư rất tốn kém. Theo đó, để thực hiện việc xuất hóa đơn thì mỗi cửa hàng xăng dầu phải đầu tư hàng chục triệu đồng cho phần cứng, chưa nói đến phần mềm và các chi phí khác liên quan. Tất cả các khoản đầu tư đó, hiện doanh nghiệp bán lẻ không biết lấy từ đâu ra.
Doanh nghiệp chi 70 triệu cho mỗi cây xăng để triển khai hoá đơn điện tử
Tại toạ đàm triển khai hoá đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu tổ chức ngày 26/12, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai cho biết, sau 2 năm đại dịch, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh. Việc đầu tư xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán xăng dầu, theo ông Phụng, là "khó chồng khó" trong bối cảnh doanh nghiệp đang thua lỗ.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai cho rằng để triển khai hóa đơn điện tử thì các doanh nghiệp tư nhân phải có tài chính, hệ thống công nghệ tương thích hạ tầng công nghệ số quốc gia. Một trạm xăng phải chi ra tới 70 triệu đồng để đầu tư việc triển khai hóa đơn điện tử này.
Doanh nghiệp phải chi 70 triệu đồng cho mỗi cây xăng để triển khai hóa đơn điện tử (Ảnh minh họa). |
“Tới nay, các công ty vẫn "khó khăn vô cùng". Với chi phí đầu tư cao, 10.000 cửa hàng xăng dầu tư nhân sẽ mất hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư triển khai hóa đơn điện tử. Với số tiền đầu tư lớn, rất khó để đầu tư ngay mà cần phải có lộ trình", ông Phụng nói.
Trong bối cảnh không biết lấy đâu ra kinh phí để triển khai hoá đơn điện tử, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) lo lắng khi có ngày nhận 10 cuộc gọi đe dọa lập biên bản từ cán bộ thuế vì chậm triển khai hóa đơn điện tử. "Chúng tôi đang làm ăn thua lỗ sau 2 năm Covid, không có chi phí để triển khai ngay nhưng cơ quan thuế không tuyên truyền, khuyến khích mà áp chế như tội phạm", ông Dũng kể.
Liên quan đến chi phí hóa đơn điện tử, ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng thông tin: Trước đây, chi phí bình quân về việc xuất hóa đơn của một cửa hàng khoảng 1 triệu đồng/năm. Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận báo giá của các công ty phần mềm, cung cấp hóa đơn điện tử với chi phí từ 100 - 165 triệu đồng/năm.
Thống kê cho thấy, bình quân mỗi năm cả nước tiêu thụ xấp xỉ 20,5 - 21 triệu m3 tấn xăng dầu. Như vậy, nếu mỗi lần bán lẻ phải xuất hóa đơn sẽ lên tới hàng chục triệu hóa đơn, thậm chí cả trăm triệu hóa đơn mới được phát hành mỗi tháng, đồng nghĩa với việc số tiền doanh nghiệp bỏ ra để in hoá đơn không hề nhỏ.
Vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ hơn nữa về tài chính và chính sách. Bởi lẽ, cơ sở hạ tầng tại các doanh nghiệp tư nhân chưa tương thích, thiếu đồng bộ trong chuyển đổi số.
Bài toán phân bổ chi phí để doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận
Ở góc độ của doanh nghiệp phát hành hóa đơn, ông Nguyễn Khơ Din, Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp Chuyển đổi số Doanh nghiệp Bkav, cho biết mức giá phục vụ hóa đơn điện tử cho xăng dầu vào khoảng từ 50 - 150 đồng/hóa đơn.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai, ông Din thừa nhận quá trình triển khai có những khó khăn mà các doanh nghiệp đang vướng mắc như thời gian gấp rút, hạch toán hóa đơn bán ra chưa sẵn sàng.
“Chúng tôi kiến nghị Tổng cục Thuế có thể giãn thời gian chính thức áp dụng lên khoảng 6 tháng để các doanh nghiệp chuẩn bị. Bên cạnh đó, cần tổ chức thêm các buổi hội thảo, tọa đàm để trang bị thêm kiến thức cho các doanh nghiệp”, ông nói.
Ông Đinh Đức Thụ, Giám đốc Ban Khách hàng tổ chức doanh nghiệp VNPT VinaPhone, cho biết nếu doanh nghiệp kinh doanh có cây xăng điện tử và phần mềm quản lý xăng dầu thì VNPT sẽ tích hợp hóa đơn điện tử miễn phí và tính hóa đơn điện tử theo lần hóa đơn xuất với giá từ 50 - 130 đồng.
Trường hợp doanh nghiệp có cây xăng điện tử nhưng chưa có phần mềm quản lý thì VNPT sẽ cung cấp một số phần mềm bán lẻ đã tích sẵn các thông tin với giá thành mấy chục nghìn đồng mỗi tháng. Trường hợp doanh nghiệp không muốn đầu tư phần mềm thì phía VNPT cung cấp miễn phí phần mềm để chuyển dữ liệu quan sim điện thoại rồi chuyển về cơ quan thuế.
Trước những phản ánh của doanh nghiệp về thái độ phục vụ của nhân viên chi cục thuế địa phương, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết sẽ xác minh đầy đủ và uốn nắn nhân viên kịp thời.
"Đây chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Trong hơn 40.000 cán bộ thuế, có vài người làm chưa đúng theo tuyên truyền nên đề nghị các doanh nghiệp nếu gặp tình trạng tương tự có thể phản ánh lên đường dây nóng của Tổng cục", ông Sơn nói.
Về việc triển khai hoá đơn điện tử, ông Sơn cho rằng hoá đơn điện tử đã có 2 năm triển khai về mặt pháp luật. Trước đó, Tổng cục Thuế đã đưa những thông tin lên website, các hội thảo, xin ý kiến các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp... nhưng không nhận được nhiều phản ánh tích cực như hiện nay. Do đó, cơ quan Nhà nước mong doanh nghiệp đồng hành để việc triển khai được thông suốt hơn.
Về chi phí cấp hoá đơn điện tử, ông Sơn cho biết nếu nhiều sẽ có giá 20 - 60 đồng, ít thì 100 đồng/hoá đơn. Càng xã hội hoá thì mức độ cạnh tranh sẽ lớn, xã hội hoá mang lại nhiều lợi ích hơn.
Ông Sơn cho rằng nếu việc triển khai hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp xăng dầu thành công sẽ đem lại khá nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và Nhà nước. Điều này giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp minh bạch, tránh thất thu thuế.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc triển khai hóa đơn điện tử trong bối cảnh ngành xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, việc triển khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử là xu hướng tất yếu và buộc phải thực hiện.
Ông dẫn chứng trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển đã triển khai hóa đơn điện tử hàng chục năm nay và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của họ đã để khách hàng tự phục vụ. Do đó, để các doanh nghiệp Việt Nam triển khai đồng bộ hóa đơn điện tử cần có sự tham gia sâu sát của cơ quan quản lý.
“Vấn đề là khi thực hiện hóa đơn điện tử sẽ làm tăng chi phí (chi phí đầu tư và chi phí thường xuyên). Bài toán là phân bổ chi phí đó như thế nào để đảm bảo doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận, vẫn hoạt động được”, ông Ánh nói.
Thanh Hoa