Dẫn lại số liệu năm 2019, cơ quan này cho biết, trong năm 2019, toàn quốc có hơn 77 nghìn doanh nghiệp (DN) chấm dứt hoạt động. Theo đó, số lượng DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký là gần 50 nghìn, chiếm tỷ trọng 64,61%.
Các DN này thường có hành vi vi phạm là không khai thuế, không quyết toán thuế, không quyết toán hóa đơn, còn nợ thuế, DN "ma" ra đời mua bán hóa đơn trục lợi tiền thuế; DN ảo nhưng buôn lậu thật.
Sau khi cơ quan thuế ban hành thông báo DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, các DN này lại làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký DN tại cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD), đăng ký tạm ngừng hoạt động, hoặc cá nhân là đại diện pháp luật của DN này tiếp tục thành lập DN mới. Dù có hậu kiểm nhưng khi phát hiện thì hậu quả đã xảy ra, không xử lý được.
Trong văn bản góp ý cho dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã kiến nghị bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn để xử lý các DN trốn thuế.
Theo đó, bổ sung quy định: “Cơ quan ĐKKD căn cứ thông tin về tình trạng pháp lý của DN là không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký yêu cầu DN báo cáo và xử lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.
Lý do, Bộ Tài chính cho rằng hiện nay, DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng ngày càng tăng. Vì vậy cần bổ sung chế tài ràng buộc, hạn chế quyền đối với DN đã bị cơ quan thuế phát hành thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Các DN này phải thực hiện các nghĩa vụ thuế còn nợ trước khi thực hiện đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký DN. Trường hợp này cũng cần có ý kiến của cơ quan thuế thì DN mới được đăng ký thay đổi thông tin.
Cùng với đó, khi đăng ký thành lập DN cần khai rõ một số thông tin bắt buộc của người đại diện và địa chỉ thư điện tử khi ĐKKD gồm: Địa chỉ liên lạc, số điện thoại của người đại diện theo pháp luật, địa chỉ email và địa chỉ trụ sở chính của DN (số nhà, ngõ/hẻm, thôn/xóm/ấp/tổ; phường/xã; quận/huyện; tỉnh/TP).
Đối với nghĩa vụ thuế, Bộ Tài chính cho rằng cần bộ sung quy định chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trước khi gửi thông báo chấm dứt hoạt động phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định Luật quản lý thuế.
Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì Phòng ĐKKD hướng dẫn DN thực hiện thủ tục với cơ quan thuế theo quy định.
Đối với việc chấm dứt hoạt động của công ty bị chia, bị hợp nhất, sáp nhập, Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung quy định Phòng ĐKKD khi gửi thông tin đăng ký thành lập của công ty mới và gửi thông tin chấm dứt hoạt động của công ty cũ cho cơ quan thuế đề nghị xác nhận việc chuyển nghĩa vụ thuế của công ty cũ cho công ty mới.
Trường hợp chưa hoàn thành, Phòng ĐKKD hướng dẫn công ty mới thực hiện thủ tục với cơ quan thuế trước khi nộp hồ sơ cho cơ quan ĐKKD…
Theo Bộ Tài chính, quy định này nhằm khắc phục tình trạng công ty cũ không thực hiện thủ tục quyết toán thuế để chuyển nghĩa vụ thuế cho công ty mới nhưng đã được cơ quan ĐKKD đăng ký thành lập công ty mới và chấm dứt hoạt động công ty cũ.
Hoàng Hà