Thất thu thuế từ khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng tăng. |
Nghi vấn Công ty Tenma hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng để xóa thuế, giảm thuế đang trở thành vấn đề thời sự trong những ngày vừa qua. Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp Nhật Bản tố đưa hối lộ cho công chức Việt Nam. Trước đó, vụ hối lộ của JTC Nhật Bản với quan chức đường sắt Việt Nam, vụ nhận hối lộ tại Dự án Đại lộ Đông Tây… lên đến hàng chục tỷ đồng cũng gây xôn xao dư luận.
"Đi đêm" trốn thuế
Nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam" của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) mới công bố đã chỉ ra mức thất thu thuế có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Trung bình trong giai đoạn 2013 – 2017, ước tính mức thuế thất thu vào khoảng 15.600 - 20.700 tỷ đồng mỗi năm, gấp khoảng 3 - 4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm.
Trong đó, mức thất thu từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên tới 8.000 - 9.000 tỷ đồng, tương đương 4 - 4,5% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn mức thất thu từ ngân sách nhà nước hàng năm có thể lên tới 10.500 tỷ đồng, xấp xỉ 5% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm.
Đáng nói, thủ đoạn trốn thuế của các doanh nghiệp FDI ngày càng tinh vi và gây khó khăn trong công tác thanh kiểm tra của cơ quan thuế. Ngoài một số cách thức để trốn thuế điển hình như chuyển giá, chuyển lợi nhuận “ngược” để hưởng ưu đãi thuế từ Việt Nam…, đã xuất hiện thêm thủ đoạn “đi đêm” bằng cách doanh nghiệp “bắt tay” với cán bộ thuế để trục lợi tiền thuế.
Nghi vấn Công ty Tenma Việt Nam hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng để xóa thuế, giảm thuế đang xôn xao dư luận trong những ngày vừa qua có thể được coi là một dẫn chứng.
Cụ thể, tờ Asahi của Nhật Bản đưa tin Công ty Tenma Nhật Bản (trụ sở ở Tokyo) đã tự khai báo với Tổng cục Kiểm sát Tokyo về việc Công ty Tenma Việt Nam đã thực hiện hành vi hối lộ cán bộ/nhân viên nhà nước của Việt Nam số tiền khoảng 25 triệu yên (khoảng hơn 5 tỷ đồng).
Khoản tiền trên được lãnh đạo Công ty Tenma cho phép chi trả, thực hiện qua 2 lần nhằm mục đích để cơ quan thuế Việt Nam miễn giảm khoản truy thu thuế đối với công ty con tại Việt Nam.
Cụ thể, lần đầu tiên vào tháng 6/2017, công ty chủ động đề nghị trả tiền mặt 2 tỷ đồng cho cán bộ điều tra thuế địa phương, kết quả được miễn khoản truy thu thuế giá trị gia tăng với mặt hàng nhập khẩu 1,79 tỷ yên (khoảng 400 tỷ đồng).
Lần thứ hai, vào tháng 8/2019, cán bộ điều tra thuế địa phương yêu cầu phía công ty nộp trả tiền mặt 3 tỷ đồng, kết quả được giảm khoản truy thu thuế doanh nghiệp từ 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu yên) xuống còn khoảng 530 triệu đồng (2,62 triệu yên).
"Kẽ hở" từ cán bộ tha hóa
Không phải đến thời điểm hiện tại, việc cán bộ công chức Việt Nam bị nghi ngờ nhận hối lộ từ doanh nghiệp Nhật Bản mới bị phanh phui. Trước đó, đã có một số vụ việc doanh nghiệp Nhật Bản hối lộ quan chức Việt Nam đã bị đưa ra xét xử.
Năm 2014, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật cho hay công ty tư vấn đường sắt có trụ sở ở Tokyo Japan Transportation Consultants (JTC) đã “lót tay” khoảng 80 triệu yên (782.640 USD) cho các quan chức đường sắt Việt Nam trong một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ yên (41 triệu USD).
JTC cho biết đích thân ông Tamio Kakinuma - Chủ tịch công ty "lại quả" cho một quan chức cấp cao của cơ quan chịu trách nhiệm quản lý dự án của Đường sắt Việt Nam.
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan cảnh sát điều tra đã vào cuộc và phát hiện 6 quan chức đường sắt có dính líu việc nhận hối lộ và đã đưa ra xét xử.
Một sự việc khác cũng từng được báo chí Nhật Bản đăng tải cách đây nhiều năm đó là việc các cựu lãnh đạo công ty tư vấn Nhật Bản PCI thừa nhận trước tòa án Tokyo là đã "lót tay" 820.000 USD cho một cán bộ quản lý các dự án ODA ở TP.HCM.
Hay như vụ việc Công ty Tư vấn xây dựng Quốc tế Thái Bình Dương (PCI) Nhật Bản đưa hối lộ khoảng 90 triệu yên cho một số quan chức dự án PMU Đông Tây TP.HCM, trong đó có ông Huỳnh Ngọc Sỹ - Giám đốc và ông Lê Quả - nguyên Phó Giám đốc.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, từ những vụ “hối lộ” trên cho thấy về mục đích của những vụ "đút lót" có thể khác nhau, một bên là để trốn thuế, còn 3 doanh nghiệp kia là để được thông qua các dự án, nhưng đều khiến ngân sách nhà nước thất thu một khoản tiền vô cùng lớn. Nguyên nhân có sự tiếp tay từ các cán bộ thuế, các lãnh đạo doanh nghiệp trong nước.
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của VEPR nhìn nhận, việc Công ty Tenma hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng để xóa thuế, giảm thuế nếu đó là thông tin đúng thì cũng là một trong số những "chiêu" trốn thuế của doanh nghiệp. Để thực hiện hành vi gian lận thuế, thậm chí có những doanh nghiệp còn lôi kéo một số cán bộ thuế sa ngã, tiếp tay cho hành vi phạm tội.
"Những trường hợp như vậy không phải là cá biệt tại Việt Nam. Trong thực tế có một số cán bộ công chức biến chất móc ngoặc với người nộp thuế làm phương hại đến nguồn thu của Nhà nước. Không những thế, hành động này của các cán bộ Việt Nam còn làm cho doanh nghiệp "nhờn" vì cho rằng họ có thể đàm phán với bất kỳ ai bằng tiền", ông Thế Anh nhấn mạnh.
Thanh Hoa