Sáng 4/1, tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình dự thảo nghị quyết về một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế- xã hội.
Theo ông Thanh, một số chính sách hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán vào quy mô hỗ trợ tổng thể của Chương trình. Do vậy, về quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ.
Nhiều ý kiến đề xuất tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Ngoài ra, theo Ủy ban Kinh tế, cần có đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên.
Về chính sách hỗ trợ lãi suất, đa số ý kiến nhất trí. Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng cần tập trung vào một số ngành và lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đánh giá cần chú trọng khoản vay tạo dư địa cho phục hồi và phát triển như việc cải tạo chung cư cũ; xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua…
“Phải quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn; kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách”, báo cáo nêu.
Về chính sách thuế, đa số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế và phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị rà soát đối tượng áp dụng.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế lưu ý tập trung vào các ngành và lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng Chính phủ cũng cần tăng thuế với một số mặt hàng hạn chế tiêu dùng. "Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế. Nhiều ý kiến đề xuất tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội.
Kiến nghị này nhận được sự đồng tình của các chuyên gia. Bởi nhiều ý kiến cho rằng 2 thị trường này sẽ tiếp tục "nóng" nhờ tín hiệu lạc quan của kinh tế vĩ mô, đầu tư công và nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn còn rất lớn. Theo chuyên gia TS. Cấn Văn Lực: “Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Giá cổ phiếu nhóm bất động sản đang tăng cao hơn bình quân toàn thị trường, là điểm sáng trên thị trường chứng khoán. Việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng với quy mô lớn và nguồn tiền đổ mạnh vào bất động sản sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022”.
Đối với thị trường chứng khoán, tại báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên nền so sánh thấp giai đoạn 2020-2021.
Dựa trên triển vọng hồi phục khả quan của kinh tế Việt Nam, SSI Research có quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán trong năm 2022.
Từ những nhận định trên, các chuyên gia cho rằng tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản là cần thiết, nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra "bong bóng" hoặc tăng trưởng "nóng" trên thị trường.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thu ngân sách Nhà nước năm 2021 về đích sớm. Trong đó, số thu thuế, phí nội địa đạt khá so với dự toán là do các địa phương đã mở cửa trở lại, kinh tế dần phục hồi, trong đó có một số khối ngành như: Ngân hàng thương mại, hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyển nhượng vốn và đầu tư vốn, hoạt động kinh doanh chứng khoán có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho Ngân sách Nhà nước.
Thanh Hoa