Thời gian gần đây có một số ý kiến đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng xăng để giảm giá thành.
Cử tri phản ánh việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu với mức tăng cao nhưng khi điều chỉnh giảm thì mức giảm rất thấp, không đáng kể, đề nghị Chính phủ xem xét việc điều chỉnh giá xăng dầu, tránh việc điều chỉnh giá giảm theo hình thức, không hiệu quả, đồng thời xem xét quy định áp dụng mức thuế TTĐB với mặt hàng xăng dầu phù hợp, mục đích là nhằm giảm giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường, giảm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. |
Góp ý vào dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), VCCI cho hay, mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế TTĐB và thuế bảo vệ môi trường.
VCCI cho rằng việc áp thuế TTĐB với xăng, không phải là đánh vào mặt hàng xa xỉ, cũng không phải nhằm vào mục đích bảo vệ môi trường, mà với mục đích chính là để người dùng tiết kiệm sử dụng mặt hàng này.
Do đó, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế TTĐB đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định việc thu thuế TTĐB với mặt hàng xăng như hiện nay là phù hợp.
Bộ Tài chính cho hay, theo quy định chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng các loại, không áp dụng với dầu, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.
"Luật Thuế TTĐB không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định", Bộ Tài chính nêu.
Cũng theo cơ quan này, thuế TTĐB là loại thuế thu vào hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng (thuốc lá, rượu, bia...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch) và những nhóm hàng hóa, dịch vụ được bộ phận người có thu nhập cao tiêu dùng cần phải điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf...).
Trong khi xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB với mặt hàng xăng, ví dụ: Pháp, Đức, Ý, Anh, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Campuchia, Lào... Tại Việt Nam, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1995.
“Quy định này là phù hợp với mục tiêu của thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc thu thuế TTĐB đối với xăng như hiện nay là phù hợp, góp phần giảm phát thải”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần cân nhắc kỹ đề xuất bỏ thuế TTĐB với mặt hàng xăng, bởi bản chất của thuế TTĐB là định hướng tiêu dùng, góp phần hạn chế sử dụng nhiên liệu không tái tạo. Nếu bỏ thuế có thể giúp giảm giá bán lẻ xăng, nhưng hiện nay giá xăng trong nước đã liên thông với giá xăng thế giới nên việc bỏ thuế TTĐB cũng không tác động tổng thể với giá xăng là bao nhiêu. Ngược lại, nếu bỏ thuế TTĐB với xăng, người dân sẽ sử dụng xăng vô tội vạ, gây ô nhiễm môi trường.
Thanh Hoa