Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phương án giảm 50% thuế TTĐB với xăng các loại và 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu.
Góp ý vào dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ quan điểm đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TTĐB với xăng và thuế VAT đối với xăng dầu và trao thẩm quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể tuỳ điều kiện thực tế.
"Quy định này sẽ tạo điều kiện để Quốc hội, Chính phủ phản ứng nhanh hơn, kịp thời hơn trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là kiến nghị đã được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phản ánh với VCCI trong thời gian qua", VCCI thông tin.
VCCI đề xuất miễn 100% thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại xăng thay vì chỉ giảm 50%. |
Tuy nhiên, về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB với mặt hàng xăng như cơ quan này đã nêu tại Công văn số 0915/PTM-PC ngày 21/6/2022 với thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đây có thể là phương án sử dụng trong trường hợp giá xăng trên thế giới tăng cao bất thường.
"Chính sách giảm 50% thuế TTĐB như đề xuất hiện nay đã tích cực nhưng có thể phương án miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB sẽ cần thiết trong bối cảnh thế giới có rất nhiều những yếu tố bất ổn có thể xảy ra trong thời gian tới", VCCI nêu.
Trước VCCI, nhiều chuyên gia, hiệp hội cũng đề xuất bỏ thuế TTĐB đối với xăng, bởi xăng là mặt hàng cần thiết cho giao thông vận tải (xe máy) của người dân.
Thuế TTĐB hiện chủ yếu đánh lên xăng các loại, không đánh vào dầu. Đối với xăng, mức thuế suất dao động từ 7-10% tuỳ loại xăng, trong đó xăng RON 95 bị đánh thuế suất cao nhất 10%, xăng sinh học E5 là 8%, E10 là 7%. Với đề xuất giảm 50% thuế TTĐB, thuế suất áp lên xăng sẽ dao động từ 3-5%.
Với đề xuất của VCCI, thuế suất thuế TTĐB đối với xăng các loại sẽ về 0% và xăng dầu chỉ chịu thuế VAT.
Tại dự thảo Nghị quyết nói trên, Bộ Tài chính đưa ra báo cáo đánh giá tác động của giảm thuế VAT và TTĐB. Theo phương án 1 (giảm 50% thuế TTĐB với xăng và 20% thuế VAT đối với xăng dầu), kết hợp với giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho biết có thể khiến ngân sách hụt thu khoảng 40.890 tỷ đồng trong 6 tháng.
Phương án 2 (giảm 50% thuế TTĐB đối với xăng và giảm 50% thuế VAT đối với tất cả xăng dầu), ước tính thu ngân sách trong 6 tháng sẽ giảm khoảng 45.600 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, hiện thuế trong xăng dầu của Việt Nam có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới: Pháp đánh thuế TTĐB đối với xăng là 0,6629 Euro/lít đối với xăng E10, 0,6829 Euro/lít đối với xăng khoáng; Ý là 0,4748 Euro/lít; Anh là 0,5295 Bảng/lít; Đức là 0,345 Euro/lít; Hàn Quốc: 311 Won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ là 15%; Úc 0,221 đô la Úc/lít.
Tại ASEAN và khu vực châu Á, thuế TTĐB đối với xăng các loại của các nước khá thấp, như Thái lan đang áp dụng là 6,5 Bath/lít đối với xăng khoáng và 5,85 Bath/lít đối với xăng 95 E85, 2,99 Bath/lít đối với dầu diesel; Singapore là 0,41 Đô la Singapore/lít; Trung Quốc là 1,52 Nhân dân tệ/lít, tỷ lệ 15,6%; Campuchia 15%, Lào 16%…
Theo Bộ Tài chính, thuế suất thuế TTĐB của Việt Nam áp dụng đối với xăng hiện nay là trung bình thấp so với các nước, đặc biệt thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc. Chính vì vậy, việc giảm mạnh các dòng thuế sẽ khiến xăng dầu trong nước rẻ hơn so với các nước trong khu vực, tình trạng xuất lậu, buôn lậu xăng dầu có thể gia tăng, diễn biến phức tạp.
Thanh Hoa