Bộ Tài chính vừa nghiên cứu soạn thảo dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2021; áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Theo đó, gia hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 và 11/2021 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
![]() |
Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước mong chờ chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt sớm được ban hành. |
Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng 4.400 tỷ đồng.
Cụ thể, thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021. Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11/2021 chậm nhất là ngày 30/12/2021.
Bộ Tài chính cho biết, việc gia hạn không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách đã được Quốc hội quyết định trong năm nay.
Chính sách này đã từng được áp dụng trong năm 2020, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước gặp khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt này đã giúp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có thêm nguồn lực tài chính để xoay vòng vốn đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thúc đẩy ngành sản xuất ô tô trong nước phát triển.
Ví dụ, Công ty cổ phần Hyundai Thành Công Ninh Bình được gia hạn hơn 4.090 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2020. Công ty ô tô Toyota Việt Nam hơn 3.220 tỷ đồng; Công ty TNHH VinFast hơn 2.515 tỷ đồng… Số tiền này giúp doanh nghiệp xoay vòng vốn đầu tư, vượt qua khó khăn.
Qua thống kê cho thấy, số lượng xe ô tô bán ra của 13 doanh nghiệp trong năm 2020 đều có mức tăng trưởng so với năm 2019, trong đó, có doanh nghiệp có mức tăng trưởng lên đến 230%. Từ đó, giúp người lao động duy trì công ăn việc làm trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, theo quy định, thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sau khi bán phải nộp ngay. Ví dụ, thuế phát sinh trong tháng 3/2021, doanh nghiệp sẽ phải nộp trước ngày 20/4/2021 và cứ tiếp tục như vậy với các tháng sau. Vì vậy, mục đích của việc giãn thuế, giúp cho doanh nghiệp duy trì dòng tiền, trong lúc gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh, do dịch Covid-19 gây ra.
Bước sang năm 2021 đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đã có công văn gửi Chính phủ kiến nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn để ban hành nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Cho ý kiến về vấn đề này, hầu hết các bộ ngành đều đồng tình ủng hộ. Chẳng hạn, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có góp ý nên kéo dài thời gian gia hạn thêm ít nhất 3 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn.
Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, việc gia hạn nộp thuế lần này có thể tạo ra quan ngại, phản ứng từ các đối tác liên quan quy định về đối xử quốc gia của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, khả năng bị khởi kiện là không cao do thời hạn áp dụng biện pháp rất ngắn.
Thống kê từ Bộ Tài chính, nửa đầu năm, số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước là hơn 19.500 tỷ đồng. Từ tháng 7, dịch bùng mạnh tại nhiều địa phương trọng điểm kinh tế nên Bộ Tài chính dự báo thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước vào những tháng cuối năm khoảng 2.200 tỷ đồng mỗi tháng.
Theo các doanh nghiệp, việc giãn thuế tiêu thụ đặc biệt không giúp cho giá ôtô giảm. Bởi doanh nghiệp chỉ được lùi thời hạn nộp vào chu kỳ sau, chứ không được miễn và vẫn phải nộp đầy đủ. Giá xe ôtô chỉ có thể giảm khi thuế giảm.
Thực tế giá xe lắp ráp tại Việt Nam đang phải chịu chi phí lớn nhất là thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu linh kiện, thuế tiêu thụ đặc biệt. Một số loại xe hơi nhập khẩu từ ASEAN đã không còn phải chịu thuế nhập khẩu ở Việt Nam, trong khi đó một số loại linh kiện xe hơi nhập khẩu vào Việt Nam cũng được miễn, giảm, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hơi và linh kiện vẫn còn được giữ.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô và linh kiện theo dung tích, thấp nhất là 35%, cao nhất là khoảng 150%, thông thường, các mẫu xe có dung tích xi lanh dưới 2.5L là khoảng 45-35%, giá trị xe hoặc linh kiện. Mức thuế cao khiến chi phí sản xuất tăng lên, giá xe tại Việt Nam đắt hơn xe các nước trong khu vực từ 10-20%, điều này tác động trực tiếp đến sức mua của thị trường nội địa với các dòng xe lắp ráp trong nước.
Thanh Hoa