Kể từ khi dịch bệnh diễn ra phức tạp tại TP.HCM và Hà Nội, các nhà hàng, quán ăn đồng loạt đóng cửa, thì hình thức "chợ mạng" đã nở rộ tại các khu chung cư do chính cư dân lập ra như: “chợ thực phẩm HH”, các “hiệp hội kinh doanh”, “cộng đồng cư dân”... với mục đích chào bán các món hàng.
Rất nhiều sản phẩm được đưa lên rao bán ở các group cư dân ở chung cư. |
Theo đó, các "chợ mạng" đã thu hút hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người tham gia, trong đó có cả người bán và người cần mua.
Đơn cử, tại nhóm Hiệp hội kinh doanh uy tín HH (Hoàng Mai, Hà Nội) có hàng nghìn tài khoản facebook tham gia và chào bán phong phú các loại từ thực phẩm ăn uống đến các sản phẩm may mặc, điện tử... Với ưu điểm mua nhanh, bán nhanh, miễn phí ship..., nhiều người mua cảm thấy tiện lợi nên thường xuyên giao dịch mua bán, đơn hàng chốt liên tục.
Đáng lưu ý, khi nghỉ làm để thực hiện chống dịch tại nhà, nhiều chị em ở các ngành nghề như: kế toán, giáo viên mầm non, công chức… cũng tranh thủ bán hàng qua “chợ mạng” nhằm kiếm thêm thu nhập.
Ở nhà vì dịch Covid-19, chị Tăng Kim Oanh (ở Linh Đàm, Hà Nội) tranh thủ gom đồ sạch ở quê lên "chợ chung cư" bán. “Bán hàng online chỉ là phụ thôi nhưng trong lúc khó khăn, lương giảm thì cũng giúp mình cải thiện thu nhập. Mình bán ngay trong khu chung cư bởi mình còn làm việc online ở nhà. Những món đồ quê vừa rẻ lại đảm bảo nên mọi người rất thích”, chị Oanh chia sẻ.
Theo chị Oanh, do toàn là hàng sạch, giá lại phải chăng và quan trọng là ship tận nhà cho khách mà không mất phí nên hàng bán rất chạy trong mùa dịch, có những khách đặt mua cả triệu đồng. "Giờ tôi đã đi làm, nhưng nhiều khách vẫn đặt mua hàng, nên mỗi tuần tôi gom một chuyến hàng từ trong quê ra để bán cho cư dân”, chị Oanh cho hay.
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 đang làm đảo lộn cuộc sống của hầu hết người dân, rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, một lượng không nhỏ người lao động bị mất việc, giảm lương... Vì vậy, bán hàng online là cơ hội để người dân đảm bảo thu nhập. Thậm chí, nhiều người đi làm trở lại vẫn kinh doanh online, coi đây là việc làm thêm để tăng thêm thu nhập.
Vậy, với những cá nhân kinh doanh online trên các nhóm chợ như hiện nay có phải nộp thuế không? Cơ quan thuế sẽ kiểm soát thu thuế như thế nào?
Bộ Tài chính cho biết, cá nhân bán hàng online thuộc diện điều chỉnh của pháp luật về thuế đối với cá nhân kinh doanh. Theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
"Trong thời gian qua, ngành thuế đã chủ động triển khai các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, phối hợp với các cơ quan có liên quan để khai thác thông tin, từ đó đôn đốc cá nhân có hoạt động kinh doanh online tự kê khai, nộp thuế theo quy định", Bộ Tài chính cho hay.
Đối với trường hợp cá nhân kinh doanh online đã thuộc diện quản lý của cơ quan thuế thì cập nhật thông tin về giao dịch trên mạng của cá nhân kinh doanh để làm cơ sở điều chỉnh doanh thu kinh doanh nếu chưa phù hợp. Đồng thời, đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật về quản lý thuế theo hướng tăng cường trách nhiệm của người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các giải pháp quản lý thuế trong thời gian qua đã dần đưa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung và kinh doanh online vào nền nếp.
Thanh Hoa