Số liệu thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trong đó khoảng 7 triệu cá nhân thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân), tương đương khoảng 26%.
Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam.
Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ của internet và các nền tảng số, đã tạo ra một nền kinh tế số đầy tiềm năng và cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội thảo "Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số" vừa được tổ chức, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính nhận định: Kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh chóng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, thương mại điện tử tăng trưởng khoảng 35%. Năm 2023, cả nước có khoảng 60 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, ước tính đến năm 2025 có hơn 70 triệu người tham gia. Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 51 đơn vị ứng dụng dịch vụ trung gian thanh toán; thanh toán trực tuyến phổ biến rộng rãi 11 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt, tăng 50% so với năm 2022.
Kiểm tra hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. |
“Kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh chóng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, thương mại điện tử là một thách thức trong quản lý thuế”, ông Quỳnh nói.
Mặc dù thời gian qua đã có nhiều quy định, chính sách, công cụ, hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu quản lý thuế hiện đại và phù hợp với định hướng chiến lược cải cách hiện đại hóa của ngành đến năm 2030, tuy nhiên, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, tính đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế. Các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn.
"Do vậy, đòi hỏi cần có những giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định.
Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong nền kinh tế số, các chuyên gia cho rằng cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số. Cùng với đó, phát triển dữ liệu số và quản lý rủi ro; phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hoàn thiện thể chế về lĩnh vực này.
Ông Noguchi Daisuke, chuyên gia Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết tại Nhật Bản, cơ quan công nghệ thông tin sẽ thu thập thông tin người nộp thuế, đánh giá rủi ro; trong khi phòng quản lý thuế sẽ quản lý sự tuân thủ nộp thuế của người dân và doanh nghiệp.
“Việc xây dựng hệ thống quản trị thuế trong doanh nghiệp là cần thiết và hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhà nước. Theo đó, đối với cơ quan thuế tập trung thanh tra với những doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao, cần thanh tra. Còn với doanh nghiệp thì chấp hành nghĩa vụ thuế tốt sẽ hạn chế rủi ro thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc duy trì tính tuân thủ nộp thuế của doanh nghiệp lớn có tác động đến tập đoàn, nhà thầu… Do đó, nâng cao tính tuân thủ cho doanh nghiệp lớn là biện pháp hữu hiệu nhằm quản lý thuế hiệu quả”, ông Noguchi Daisuke chia sẻ.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, ngành thuế đang có những nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu để phát hiện rủi ro giá bất thường, đặc biệt triển khai hiệu quả quản lý rủi ro tuân thủ pháp luật thuế.
"Hiện, ngành thuế đã xây dựng chức năng cảnh báo xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn; bước đầu nghiên cứu, áp dụng AI vào phân tích dữ liệu hoá đơn điện tử để phát hiện rủi ro giá bất thường, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ", ông Minh cho hay.
Bên cạnh đó, ngành thuế cũng đang xây dựng Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý cá nhân, hộ kinh doanh, dự kiến ban hành năm 2024. Tuy nhiên, bà Ngô Thị Thùy Linh, Phó Trưởng ban Quản lý rủi ro thừa nhận việc triển khai quản lý rủi ro trong quản lý thuế còn gặp nhiều bất cập, đó là quản lý rủi ro mới được nghiên cứu triển khai áp dụng tại một số nghiệp vụ quản lý thuế đơn lẻ, chưa xây dựng và triển khai chương trình quản lý rủi ro tuân thủ tổng thể về thuế và phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ thuế.
“Vấn đề quản lý rủi ro là xu hướng tất yếu trong quản lý thuế hiện đại, đảm bảo liên kết, điều phối xuyên suốt trong các hoạt động nghiệp vụ thuế, nhưng việc sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý rủi ro trong ngành thuế vẫn đang chỉ dưới hình thức ‘Ban mềm’, tức là trên cơ sở điều động, biệt phái các cán bộ ở các đơn vị trong Tổng cục”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Bên cạnh cơ chế chính sách, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng cần thực hiện công tác thi đua khen thưởng cho người nộp thuế tuân thủ cao, kết hợp thêm một số biện pháp khuyến khích khác như hoàn thuế trước, giãn thời gian thanh tra, kiểm tra... Đối với các đơn vị không tuân thủ cần áp dụng các biện pháp công khai thông tin, tăng cường thanh tra, kiểm tra… qua đó khuyến khích tăng tự nguyện tuân thủ.
"Quản lý thuế càng tốt, tính tuân thủ càng cao thì sẽ tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng", Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam khẳng định.
Thanh Hoa