Theo một chuyên gia về thuế, việc mua hàng không lấy hóa đơn vô tình đã “tiếp tay” cho một số doanh nghiệp làm ăn thiếu đứng đắn. Nếu người tiêu dùng mua hàng không lấy hóa đơn, thì hóa đơn đó nhiều khả năng lại được “xuất khống” cho một giao dịch khác để hợp thức hóa chi phí. Trong khi đó, khi người bán không xuất hóa đơn, giao dịch đó không được ghi nhận vào doanh thu bán hàng, nên Nhà nước không thu được thuế. Đó là chưa tính tới nhiều trường hợp đã có các cá nhân, đơn vị lợi dụng điều này để mua hóa đơn, hợp thức hóa chi tiêu ngân sách nhà nước.
Ở một khía cạnh khác, việc người tiêu dùng mua hàng không lấy hóa đơn đã vô tình tiếp tay những người trốn thuế tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị, cá nhân tuân thủ đúng pháp luật về thuế, từ đó ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh nói chung.
Nhiều khách hàng không lấy hoá đơn khi sử dụng dịch vụ ăn uống, khách sạn do không được khấu trừ thuế. |
Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, mỗi lần đi ăn uống với bạn bè, gia đình hoặc đi du lịch, chị thường không lấy hoá đơn vì "lấy về cũng không để làm gì", dù chị vẫn phải chi trả phần thuế giá trị gia tăng (VAT) bị tính thêm đó vào hoá đơn
"Có một vài lần, tôi thắc mắc không lấy hoá đơn tại sao vẫn bị tính thuế VAT thì nhận được phản hồi khách hàng có lấy hoá đơn hay không vẫn phải tính thuế", chị Hà cho hay.
Thực tế, trường hợp như chị Hà hiện rất phổ biến và đây chính là lỗ hổng gây thất thoát thuế lâu nay.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hoá đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Việc sử dụng hóa đơn điện tử được áp dụng từ thời điểm 1/7/2022 và đến nay đã thực hiện thống nhất trên cả nước.
Để chống thất thu thuế đối với nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng dịch vụ nhỏ lẻ, vài năm trở lại đây, cơ quan thuế đã triển khai nhiều biện pháp như hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc người bán hàng phải xuất hoá đơn cho khách hàng theo từng giao dịch, bỏ nội dung cho phép xuất hóa đơn tổng cuối ngày trong các lĩnh vực kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống cửa hàng bán trực tiếp đến người tiêu dùng…
Bộ Tài chính cho rằng người bán hàng phải có trách nhiệm xuất hoá đơn cho người mua hàng theo từng giao dịch phát sinh; với người mua hàng, đây là chứng từ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ, qua đó tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngành thuế đang triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền áp dụng cho các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực bán lẻ đến người tiêu dùng (ăn uống, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ khác…). Đây là hình thức hoá đơn điện tử thuận tiện trong việc sử dụng đem lại lợi ích cho cả người bán hàng và người mua hàng.
Hình thức hoá đơn này góp phần tối ưu chi phí hoá đơn, dễ dàng quản lý, sử dụng đối với mô hình kinh doanh cần xuất hoá đơn thường xuyên, liên tục, 24/7, qua đó góp phần nâng cao khả năng quản lý thuế đối với các mô hình kinh doanh này.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương rà soát, xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh không xuất hoá đơn kịp thời cho người mua hàng khi cung cấp hàng hoá, dịch vụ để thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng xuất hoá đơn theo quy định của pháp luật.
Song song với đó, ngành thuế triển khai chương trình "Hóa đơn may mắn" mỗi quý nhằm khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn, đồng thời tạo áp lực lên người bán hàng và yêu cầu xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chương trình “Hoá đơn may mắn” còn một số hạn chế như một quý mới triển khai quay thưởng 1 lần tìm hơn 10 giải trong hàng chục, hàng trăm triệu hóa đơn phát hành thì sẽ làm nản người tiêu dùng không trúng giải, sau này họ sẽ không lấy hóa đơn nữa. Đặc biệt, đơn vị áp dụng hóa đơn, tính thuế VAT trên giá sẽ có giá cao hơn những nơi không xuất hóa đơn, giá sản phẩm, dịch vụ thấp hơn.
Theo một số chuyên gia thuế, biện pháp ngăn chặn thất thu thuế có tính lâu dài và hiệu quả là khi sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân cần cho phép người nộp thuế được khấu trừ chi phí. "Cho phép người nộp thuế được trừ đi một khoản nhất định chi tiêu cho cuộc sống thì họ sẽ yêu cầu đơn vị bán hàng cung cấp hóa đơn, lúc này người tiêu dùng sẽ chịu khó lấy hóa đơn hơn", một chuyên gia phân tích.
Thanh Hoa