“Thay da đổi thịt” sau M&A
Vừa qua, Công ty Cổ phần Bột giặt Net (mã chứng khoán: NET) đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2020 mang lại kết quả khá ấn tượng, với doanh thu thuần 727 tỷ đồng, tăng 36,41% so với cùng kỳ năm 2019. Ðáng chú ý, lợi nhuận sau thuế đạt 74 tỷ đồng, tăng 112,42%.
Hoàn tất mua 52% cổ phần Công ty Cổ phần Bột giặt Net, Masan có kế hoạch tích hợp NETCO với hệ thống phân phối gồm 300.000 điểm bán lẻ truyền thống và nền tảng thương mại hiện đại gồm 3.000 siêu thị và siêu thị mini trên cả nước. Theo Masan, đây là một trong những lĩnh vực lớn nhất và hấp dẫn nhất tại Việt Nam với giá trị thị trường khoảng 3,1 tỷ USD và nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng để xây dựng các thương hiệu nội địa vững mạnh. NET là điểm khởi đầu chiến lược để Masan xây dựng nền tảng đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.
Lợi nhuận NET liên tục tăng thời gian gần đây và vừa lập kỷ lục 48 tỷ đồng trong quý 2/2020, ngay sau khi trở thành công ty con của Masan. Lợi nhuận 6 tháng cũng tăng trưởng 130% so với cùng kỳ. |
Về với Masan, không chỉ có Bột giặt NET đạt được thành tích ngoạn mục, mà VinCommerce (VCM - công ty chủ quản hệ thống VinMart/ VinMart+ và VinEco) cũng ghi nhận những tín hiệu khởi sắc vượt trội: Tăng 40% doanh thu, giảm lỗ một nửa. Theo bản báo cáo kết quả hợp nhất tài chính của Masan Group, doanh thu thuần hợp nhất quý 1/2020 của Masan đạt mức 17.632 tỷ đồng, tăng trưởng gấp hơn 2 lần so với mức 8.160 tỷ đồng vào quý 1/2019. Đóng góp vào doanh thu trên, riêng VinCommerce đã chiếm hơn 50% với tổng doanh thu riêng quý 1 đạt tới 8.709 tỷ đồng, tăng 40,3% so với mức doanh thu 6.206 tỷ đồng của quý 1/2019; tức là tăng về giá trị tuyệt đối tới hơn 2.500 tỷ đồng.
Tiếp tục những bước cải tổ chiến lược
Sau nửa năm chủ quản hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+, Masan ghi nhận chuỗi siêu thị mini VinMart+ có nhiều tín hiệu khả quan: So với cùng kỳ năm trước, doanh thu quý 2 của VinMart+ tăng 51%. Phân tích chỉ số SSSG tại từng khu vực, VinMart+ tăng trưởng 8% tại TP.HCM, thị trường trọng điểm để cải tiến mô hình hoạt động. Ở Hà Nội, nơi thương hiệu bán lẻ này đang có thị phần áp đảo, SSSG tăng 1%. Ở các thành phố cấp 1 như Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Cần Thơ và Hải Phòng, chỉ số này lại giảm 10% do lượng khách du lịch ít hơn. Ngược lại, VinMart+ tăng trưởng 10% ở các thành phố cấp 2.
VinMart+ có hàng ngàn mặt hàng, đáp ứng được mọi nhu cầu mua sắm tiêu dùng và thực phẩm cho các bữa ăn gia đình. |
Masan cho biết, thời gian tới, Tập đoàn này sẽ tập trung đẩy mạnh mảng siêu thị mini VinMart+, vốn đang mang về khoản doanh thu khá tốt và được kỳ vọng sẽ là tương lai của thương mại hiện đại tại Việt Nam. Mô hình này sẽ thiết lập nền tảng chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn của Masan về các điểm POL (Point of Life).
Trong năm nay, Masan dự kiến mở mới 100 - 300 cửa hàng VinMart+ và 10 - 30 siêu thị VinMart. Song song với đó, Masan cũng sẽ đóng cửa tối đa 10 siêu thị và 150-300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Kỳ vọng với “kỳ lân” The CrownX
Ngày 12/6, HĐQT Masan công bố thông qua Nghị quyết HĐQT về việc thành lập Công ty The CrownX. Trong đó, The CrownX sẽ là công ty con nắm giữ 83,74% cổ phần VinCommerce và 85,71% vốn tại Masan Consumer Holdings (Công ty sở hữu 95,24% vốn tại Masan Consumer). Hiện tại, Masan Group đã hoàn tất mua thêm 12,57% cổ phần tại The CrownX, nâng tổng sở hữu tỷ lệ lợi ích tại The CrownX lên 82,6%.
Tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 6/2020 vừa qua, ông Danny Lê, CEO của Masan Group đã chia sẻ về chiến lược 3 giai đoạn của Tập đoàn dành cho The CrownX là: (1) tập trung chủ yếu vào nhu yếu phẩm có khả năng mở rộng quy mô, (2) phục vụ đời sống tài chính của khách hàng điển hình như: mở tài khoản ngân hàng, cho vay, chuyển tiền, mua bảo hiểm và thanh toán hóa đơn, đầu tư… ngay tại mạng lưới các Point of Life, (3) phục vụ các nhu cầu sinh hoạt kết nối và giải trí của khách hàng. Theo đó, VinCommerce với hệ thống VinMart/VinMart+ sẽ là quân “át chủ bài” trong chiến lược trọng tâm của Tập đoàn.
Hệ thống VinMart/ VinMart+ sẽ là quân “át chủ bài” trong chiến lược trọng tâm của Tập đoàn Masan. |
Với bức tranh hiện tại, bằng định hướng chiến lược của mình, chỉ sau 6 tháng chủ quản, rõ ràng hiệu quả hoạt động VCM đang được cải thiện rõ nét (cải thiện EBITDA từ -9% lên -7%, duy trì doanh thu tăng trưởng 13% so với nửa cuối năm 2019, trên đà đưa EBITDA sẽ về gần mức hòa vốn (-1%; -3%). Nền tảng kinh doanh cơ bản ổn định trong quý 2/2020, kế hoạch cải thiện hiệu quả hoạt động vẫn đang được tiếp tục thực hiện.
Những chiến lược trọng tâm của giai đoạn I đang được Tập đoàn Masan từng bước thực hiện như: Cải tổ danh mục sản phẩm, giảm bớt các chi phí trung gian, tập trung vào các thương hiệu và sản phẩm chủ chốt để thúc đẩy 80% hiệu quả kinh doanh như rau sạch từ VinEco, thịt mát MEATDeli, đồ ăn chế biến sẵn từ VinMart Cook… Ngoài ra, Chăm sóc cá nhân và gia đình cũng một ngành hàng được Masan chú trọng trong thời gian sắp tới. Theo đại diện công ty, đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển và mang đến các sản phẩm đột phá cho người tiêu dùng Việt. Gần đây, Masan đã cho ra mắt bột giặt Joins 2 trong 1 – bột giặt đầu tiên và duy nhất hiện nay vừa có công dụng làm sạch, vừa kèm tính năng xả vải.
Mới đây, trong một quảng cáo của VinMart trên sóng VTV bất ngờ xuất hiện dòng chữ "VinMart sẽ đổi tiên thành WinMart" khiến nhiều người quan tâm. |
Dù chưa có thông báo chính thức nhưng từ động thái này có thể phần nào khẳng định Masan sẽ đổi tên VinMart sau khi sáp nhập chuỗi bán lẻ này từ tay Vingroup. Chữ “Win” trong tên WinMart, đang được phỏng đoán mang ý nghĩa “Where shoppers win” – người tiêu dùng nhận được những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất với giá cả hợp lý nhất.
H.C