Theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; hướng tới mục tiêu Việt Nam sẽ đạt Top 4 ASEAN, có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. "Cả 2 nhóm mục tiêu này đều mang tính trọng yếu, quyết định sự phát triển của kinh tế Việt Nam", ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định.
Có hai lĩnh vực nổi bật nhất
Phân tích cụ thể về tình hình thực hiện cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết có hai lĩnh vực nổi bật nhất là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Trong đó, 74% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tiếp cận điện năng đã cải thiện ở mức tốt.
Cũng theo khảo sát của VCCI từ các doanh nghiệp, điện năng cũng là dịch vụ công tốt thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau viễn thông - điện thoại. Hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều phản ánh tích cực về độ ổn định cung cấp điện. Nếu như năm 2012, thời gian mất điện trung bình của mỗi khách hàng là 8.000 phút/năm, thì con số này hiện đã giảm xuống chỉ còn 235 phút/năm.
Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực Tp.HCM |
"Các kết quả này tương đồng với đánh giá của Doing Business. Trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam, tiếp cận điện năng là chỉ số thuộc Top đầu có cải cách nhanh và cải thiện rất bền vững, cho thấy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện cải cách rất chủ động và quyết liệt", ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết chỉ số tiếp cận điện năng năm 2018 xếp thứ hạng 27/189 quốc gia, nền kinh tế; tăng 129 bậc so với năm 2013. Với chỉ tiêu này, Việt Nam đã chính thức lọt Top 4 ASEAN trước 2 năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 19. "Kết quả này có được từ sự nỗ lực của CBCNV trong toàn Tập đoàn và sự hỗ trợ, phối hợp tích cực từ các bộ, ngành, địa phương", ông Võ Quang Lâm khẳng định.
Hoàn toàn thay đổi nhận thức
Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm, trong 5 năm qua, cán bộ công nhân viên điện lực đã hoàn toàn thay đổi nhận thức về công tác dịch vụ. Khách hàng là trung tâm và EVN luôn nỗ lực cung ứng dịch vụ điện tới khách hàng với chất lượng ngày càng tốt hơn. Qua phân tích phương pháp của Doing Business, EVN đã học hỏi cách làm của thế giới, nghiên cứu thay đổi quy trình kinh doanh điện. Đồng thời, EVN đã đẩy mạnh thực hiện 1 cửa liên thông, nhằm đem đến sự thuận lợi, dễ dàng cho khách hàng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ điện.
Hiện nay, Tập đoàn đã cung ứng 100% dịch vụ điện trực tuyến tương đương cấp độ 3. Trên lộ trình ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, Tập đoàn sẽ chính thức cung ứng tiện ích thanh toán tiền điện mọi lúc mọi nơi, tương đương dịch vụ công cấp độ 4 từ tháng 12 năm nay.
Trước đó, theo đánh giá của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia (Dooing Besiness), năm 2018, tuy môi trường kinh doanh Việt Nam xếp vị trí 69/190 quốc gia, giảm 1 bậc trong bảng xếp hạng so với năm trước, nhưng có tới 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số.
Đặc biệt, chỉ số tiếp cận điện năng đạt 87,94/100 điểm, là chỉ số tăng bậc nhiều nhất trong 10 chỉ số (tăng 37 bậc), và chỉ số khởi sự kinh doanh cũng tăng 19 bậc. Nhờ đó, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam không giảm nhiều trên bảng xếp hạng quốc tế.
Trong 5 năm, chỉ số tiếp cận điện năng đã từ vị trí 156/189 quốc gia, nền kinh tế lên tới thứ hạng 27/190 quốc gia, nền kinh tế. "Đây là chỉ số tăng mạnh nhất, vững chắc nhất qua các năm. EVN đã nỗ lực không mệt mỏi, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam", Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhận định.
Với yếu tố độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện, EVN đã công bố thông tin qua các website chăm sóc khách hàng, đầu tư cơ sở hạ tầng, khai thác triệt để công nghệ sửa chữa điện hotline… Nhờ vậy, chất lượng cung ứng điện ngày càng ổn định, liên tục, an toàn.
Hà Anh