Chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” được Coca-Cola triển khai với mục đích nâng cao nhận thức người dùng về những giá trị mà việc tái chế chai nhựa PET sau khi sử dụng mang lại. Chương trình giới thiệu cho người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh một cách thức tái chế thuận tiện - ứng dụng thu gom ve chai công nghệ VECA. Thông qua ứng dụng VECA có sẵn trên điện thoại thông minh, người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh không chỉ có thể đặt lịch theo thời gian và địa điểm thuận tiện để kết nối trực tiếp đến với các bên thu gom bán các chai nhựa rỗng đã qua sử dụng, mà còn có thể tích điểm thưởng để đổi những phần quà hấp dẫn.
Chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” được Coca-Cola triển khai với mục đích nâng cao nhận thức người dùng về những giá trị mà việc tái chế chai nhựa PET sau khi sử dụng mang lại. |
Chai nhựa PET được thu gom thông qua VECA sẽ được chuyển giao tới Nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tan Recycling) để xử lý và tái chế thành một chai nhựa với những vòng đời mới. Duy Tân là đối tác chiến lược của Coca-Cola từ 2018 và luôn đi đầu trong công nghệ tái chế - sản xuất bao bì nhựa tại Việt Nam. Nhựa tái chế Duy Tân hiện là doanh nghiệp đầu tiên trong nước thử nghiệm thành công với dây chuyền tái chế hiện đại bottle-to-bottle (tạm dịch: từ chai ra chai) tuân thủ các quy định của Việt Nam và quy chuẩn nghiêm ngặt của Coca-Cola toàn cầu về tiêu chuẩn nhựa tái chế. Thông qua quan hệ hợp tác chiến lược với các đơn vị như VECA và Nhựa tái chế Duy Tân, Coca-Cola tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận gần gũi hơn với quá trình tái chế bao bì nhựa.
Nhìn nhận về các nỗ lực gần đây của Coca-Cola kết hợp cùng các đối tác trong nước, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: “Trong bối cảnh quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất sắp đi vào thực thi, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực và sáng kiến của Coca-Cola trong chuẩn bị sẵn sàng cho thực thi trách nhiệm tái chế của mình và xa hơn là xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Hợp tác lần này giữa Coca-Cola và các đơn vị thu gom và tái chế trong nước cho thấy cam kết dài hạn và sự tiên phong của doanh nghiệp trong việc thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Bộ Tài Nguyên Môi Trường ủng hộ những sáng kiến và dự án của các doanh nghiệp tiên phong như Coca-Cola.”
Ông Leonardo Garcia, Tổng giám đốc Coca-Cola Việt Nam và Campuchia chia sẻ: “Với tầm nhìn toàn cầu của Coca-Cola “Vì một thế giới không rác thải", chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030, mỗi chai và lon Coca-Cola bán ra trên toàn cầu đều được thu gom và tái chế, đồng thời sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong sản xuất bao bì. Thông qua sáng kiến “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối", Coca-Cola mong muốn có thể truyền cảm hứng đến người tiêu dùng và kêu gọi sự chung tay cùng chúng tôi thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Coca-Cola đã và đang hợp tác cùng với các tổ chức thu gom và tái chế rác thải nhựa trong nước, và chúng tôi rất mong đợi vào sáng kiến mới này cùng VECA và Nhựa Tái chế Duy Tân.”
Thông qua sáng kiến “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối", Coca-Cola mong muốn có thể truyền cảm hứng đến người tiêu dùng và kêu gọi sự chung tay cùng chúng tôi thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. |
Hành trình của Coca‑Cola Việt Nam vì một thế giới không rác thải: Năm 2020, Coca‑Cola là công ty nước giải khát đầu tiên thị trường Việt Nam giới thiệu chai nhựa được làm từ 100% nhựa tái chế rPET (trừ nắp và nhãn chai), áp dụng cho sản phẩm nước đóng chai Dasani dung tích 500ml. Năm 2021, Coca‑Cola chuyển đổi vỏ chai Sprite từ màu xanh đặc trưng sang chai nhựa PET trong suốt, góp phần thúc đẩy quá trình tái chế vỏ chai Sprite tại Việt Nam. Công ty đã đưa thông điệp “Tái chế tôi” lên bao bì sản phẩm của tất cả các thương hiệu thuộc công ty Coca‑Cola, nhằm khuyến khích người tiêu dùng chung tay hỗ trợ các hoạt động tái chế bao bì. Coca‑Cola còn hợp tác với các công ty khác thành lập Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mục tiêu thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua quy trình thu gom và tái chế bao bì theo hướng dễ tiếp cận và bền vững hơn tại Việt Nam.
N.B