Đây là vấn đề được nêu lên tại Hội thảo "Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện" tổ chức ngày 11/4.
Kiểm toán cho biết, tính tới nay, qua thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 170.000 tỷ đồng, hơn 12.000ha đất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 300 văn bản quản lý Nhà nước.
Khó xử lý tham nhũng chính sách
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Đức Vinh cho rằng, những năm qua, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm. Đó là các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại...
Bất cập chính sách đất đai khiến tham nhũng tăng (Ảnh Internet) |
Tuy nhiên, công tác kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán vẫn còn một số vướng mắc. Trong đó, Luật KTNN vẫn chưa quy định cho phép KTNN được kiểm toán trực tiếp các đơn vị, tổ chức có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.
Chẳng hạn, trong quy định của Luật Đất đai, ông Nguyễn Văn Giáp, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI cho rằng, hiện nay, Luật Đất đai đang là một dấu chấm hỏi lớn về tham nhũng chính sách, khi các quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội không rõ ràng, nhất là quy định về giá thu hồi đất.
“Giá thu hồi rất thấp, nhất là đất nông nghiệp, trong khi đó, nhà đầu tư bất động sản, xây dựng nhà cửa thì bán với giá cao hơn rất nhiều lần, lợi nhuận rất cao”, ông Giáp nói.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Đất đai 2013, mọi trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đều phải thực hiện đấu giá đất, nhưng từ đó cho đến nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về đấu giá đất. Vì thế, rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm, sau một, hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất, cách làm này là khá phổ biến để định giá đất thấp, làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển.
Trong khi đó, quy trình, chuẩn mực và phương pháp của kiểm toán chỉ dựa trên hồ sơ là chủ yếu, mặt khác do kiểm toán viên KTNN chưa được đào tạo đầy đủ về pháp luật để nhận biết các dấu hiệu tham nhũng nên hạn chế trong việc phát hiện và đấu tranh với các hành vi tham nhũng khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Luật KTNN cần nâng cấp cao hơn
Theo KTNN, hiện nay căn cứ để Tổng KTNN ban hành quyết định kiểm toán là kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN; yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của cơ quan, tổ chức được Tổng KTNN chấp nhận.
Như vậy, căn cứ ban hành quyết định kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chưa được đưa vào Luật KTNN.
Bởi vậy, theo lãnh đạo KTNN, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, nội dung này cần bổ sung vào Luật KTNN.
Cụ thể, ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho rằng, một trong những việc cần làm là xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN 2015.
Theo đó, cần quy định cụ thể, đầy đủ đơn vị được kiểm toán cũng như tăng cường các quy định về trách nhiệm của KTNN trong công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt là nhiệm vụ kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Đồng quan điểm, ông Đặng Thế Bình, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X nhìn nhận, một cản trở lớn đối với công tác phòng, chống tham nhũng của KTNN xuất phát từ chế độ chính sách.
Đưa ra giải pháp, ông Bình cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin, các cơ quan nhà nước cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý công việc, giảm thiểu tiếp xúc giữa người dân, tổ chức kinh doanh với công chức có thẩm quyền.
“Tuy chưa thể ngăn chặn triệt để do có thể có những đường dây, “cò” làm môi giới, nhưng cũng góp phần hạn chế một bước việc sử dụng quyền lực để tiêu cực”, ông Bình nói.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh góp ý, việc tăng cường vai trò của KTNN trong phòng, chống tham nhũng cần đưa vào Luật KTNN với mức độ cao hơn.
Theo ông Ánh, Luật KTNN cần có quy định cụ thể mối quan hệ hợp tác giữa KTNN với cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ. Có như vậy, hoạt động phòng chống tham nhũng của KTNN mới tăng được hiệu quả và tác động tới xã hội cao hơn.
Thanh Hoa