Theo Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh, KTNN là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Thực tế đã khẳng định trong những năm qua, KTNN luôn phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ được giao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát.
|
Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực KTNN |
Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN được thực hiện định kỳ, có định hướng đã tạo được dư luận tốt. KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và địa phương không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật. KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân nhiều vụ việc; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra.
Tuy nhiên trên thực tế, một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. Cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lắp, chồng chéo…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã bày tỏ quan điểm kiểm soát được quyền lực là vấn đề rất khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không thể đạt hiệu quả. Điều đó đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều công việc, rất nhiều biện pháp, trước hết phải thực hiện nghiêm việc giới hạn quyền lực nhà nước bằng Hiến pháp, pháp luật; kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát.
Trước đó, hồi tháng 1/2019, KTNN đã có báo cáo đánh giá hoạt động năm 2018. Theo đó, KTNN đã hoàn thành 253/253 cuộc kiểm toán theo kế hoạch. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 31/12, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, mức cao nhất trong hơn 24 năm hoạt động. Trong đó, tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước 44.466 tỷ đồng, tăng 18,39% so với năm 2017; kiến nghị xử lý khác 45.134 tỷ đồng.
Đồng thời, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, thay thế 115 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân. Trong đó, nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập liên quan đến: công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); cơ chế quản lý, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghệ cao; việc quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...
Các kết quả KTNN đã làm được cho thấy vai trò của KTNN trong việc phòng chống tham nhũng là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Minh Sơn