Các chuyên gia cho rằng, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế), trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất nhập khẩu, nhưng việc giao dịch, giao nhận hàng hóa đang sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Giao thương bị gián đoạn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 1/2021, xuất khẩu thủy sản sang Nga đạt 17 triệu USD, sang Ukraine đạt 3,7 triệu USD (năm 2021 khoảng 29 triệu USD).
Xuất khẩu thủy sản sang Nga sẽ bị tác động bởi xung đột Nga - Ukraine. |
Vì vậy, việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại của doanh nghiệp đang làm ăn với thị trường này.
Hiện, có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Đại diện VASEP cho biết, có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT. Kéo theo đó là những công ty ở một số nước khác trước nay vẫn nhập khẩu thủy sản Việt Nam để chế biến xuất khẩu sang Nga cũng bị ảnh hưởng, dẫn tới ngừng mua thủy sản Việt Nam.
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Đức An Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Richfarm Việt Nam, cho biết hiện nay hoạt động nhập khẩu phân bón từ Nga bị gián đoạn. Nguyên nhân không phải vì Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế, do mặt hàng phân bón chưa bị cấm vận, một số ngân hàng của Nga cũng có chi nhánh tại Thụy Sỹ, châu Âu. Tuy nhiên, khó khăn gặp phải lớn nhất là không có hãng tàu nào nhận chở phân bón từ Nga sang Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Sơn chia sẻ, mỗi năm doanh nghiệp này nhập khẩu khoảng 200 nghìn tấn phân bón từ thị trường Nga. Tắc nghẽn ở thị trường Nga buộc doanh nghiệp phải tính tới thị trường Trung Quốc thay thế trong thời gian tới, tuy nhiên thị trường này vẫn chưa mở cửa hoàn toàn hoạt động xuất khẩu phân bón.
Chưa kể, từ khi chiến sự xảy ra, giá phân bón bị đẩy tăng cao từng ngày. Ông Sơn ước tính giá phân Urea tăng khoảng gần 10%, trong khi giá phân Kali mỗi ngày trôi qua là lại có một giá chào hàng mới (Nga chiếm khoảng 17% thị phần Kali toàn cầu)...
"Giá cả phân bón tăng, nông dân sẽ ngày càng khó khăn", ông Sơn nói.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2021, Nga là thị trường cung cấp phân bón lớn thứ 3 cho Việt Nam. Cụ thể, tổng khối lượng nhập khẩu phân bón từ Nga trong năm 2021 đạt 386.193 tấn, trị giá 143,53 triệu USD, tăng 7,9% về lượng, tăng 30,3% về kim ngạch so với năm 2020.
Lo ngại chi phí logistics đắt đỏ hơn
Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cũng vừa tổ chức họp bàn để tìm giải pháp giữ ổn định xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga liên tục tăng những năm gần đây. Năm 2021, giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nga đạt khoảng 550 triệu USD, chiếm khoảng 1/10 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đánh giá thị trường Nga vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong kim ngạch xuất khẩu nông sản. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ không chịu tác động đến mức mất cả thị trường.
Với những khó khăn về thủ tục thanh toán, giao hàng, các doanh nghiệp sẽ có cách thức để chuyển đổi phương thức làm ăn. Tuy nhiên, ông Bình lo ngại nhất là những tác động của cuộc xung đột đến tổng cầu thị trường, giá cả xăng dầu, chi phí logistics...
Hiện nay, chi phí logistics đang "ăn mòn" lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, cao hơn gấp nhiều lần so với thời điểm trước dịch COVID-19. Cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể đẩy tình trạng phí logistics đắt đỏ hơn, thiếu container rỗng, ùn tắc cảng biển...
Thống kê cũng cho thấy năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đạt khoảng 7,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tức chỉ chiếm khoảng hơn 1% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Dù tỷ trọng này là không quá lớn, nhưng có thể chịu những tác động gián tiếp. Việc các nước áp đặt lệnh trừng phạt với Nga có thể đặt ra thách thức với những doanh nghiệp Việt Nam có nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Nga và xuất khẩu thành phẩm sang các thị trường khác.
Hơn nữa, Bộ Công Thương khuyến cáo cuộc xung đột này có thể ảnh hưởng tới khả năng giao nhận hàng hóa, dẫn tới rủi ro trong khâu thanh toán, đặc biệt là đối với các hợp đồng thanh toán T/T (chuyển tiền sau khi giao hàng). Vì vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải thận trọng trong việc giao kết hợp đồng.
Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để có những đánh giá chính xác về tình hình, tăng cường cảnh báo sớm và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại có thể xảy ra trong tình hình hiện nay.
Thy Lê