Trái ngược với sự đi xuống của chứng khoán là các tài sản chính có tính phòng thủ cao như dầu thô, khí đốt, vàng ghi nhận mức tăng giá phi mã. Vậy, chứng khoán còn là kênh đầu tư hấp dẫn nữa hay không?
Cơ hội mua cổ phiếu tốt giá rẻ
Nhận định về cơ hội đầu tư từ xung đột Nga - Ukraine, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập FIDT cho rằng, xung đột đã bùng nổ và ảnh hưởng tiêu cực tới các loại tài sản rủi ro. Tuy nhiên, đây là cơ hội đầu tư dài hạn chất lượng vì cơ bản trong ngắn hạn, tài sản rủi ro đều giảm bởi tâm lý. Tổng thể cuộc chiến này không ảnh hưởng nhiều tới toàn cầu.
“Chiến tranh luôn là cơ hội để mua cổ phiếu với giá rẻ hơn bởi thị trường sau đó sẽ hồi phục nhanh chóng. Huống chi là một cuộc giao tranh cách xa Việt Nam. Có nhiều cơ hội trong cuộc chiến này đến từ lệnh cấm vận, trừng phạt của EU, Mỹ với Nga. Do đó, sự kiện này sẽ có nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Vậy thì lúc này hãy quan sát và phân tích kỹ để nhìn nhận các cơ hội”, ông Tuấn nói.
Thị trường sẽ hồi phục nhanh chóng khi “giông bão” qua đi. |
Theo ông Lâm Minh Chánh, Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, chỉ số Vn-Index và giá cổ phiếu sẽ không hẳn xuống một mạch mà sẽ lên xuống đan xen. Mặc dù ai cũng đoán được xu thế giảm, nhưng giảm đến mức nào và bao giờ phục hồi thì khó ai đoán đúng.
Hiện tại, thị trường sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn. Nhưng nếu thị trường đột ngột giảm sâu thì cổ phiếu đầu cơ hay cổ phiếu “tin đồn” sẽ có nguy cơ xuống “vực thẳm”. Vì vậy, nhà đầu tư cần hiểu rõ giá trị cổ phiếu mình đang nắm giữ có ảnh hưởng gì trong cuộc xung đột này không. Nếu những cổ phiếu có giá trị nội tại tốt, không bị ảnh hưởng nhiều thì giá cổ phiếu có xuống theo thị trường rồi cũng lên lại, vì những cổ phiếu này sẽ bật tốt hơn sau khi thị trường hết bị ảnh hưởng.
Mới đây, chia sẻ trên Talkshow Phố Tài chính, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS) tỏ ra khá lạc quan với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022.
Ông Tuấn cho rằng, những phiên giao dịch đầu năm 2022, dòng tiền có yếu tố thận trọng hơn dẫn đến thanh khoản kém hơn, nhưng điều này không có nghĩa dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường. Trong năm 2022, dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ vẫn tiếp tục dồi dào, bởi đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán dự kiến sẽ tăng vốn mạnh trong năm 2022, cung cấp một nguồn margin mạnh mẽ cho thị trường. Đồng thời, kinh tế mở cửa lại trong năm 2022, khả năng tăng trưởng của các doanh nghiệp sẽ lớn hơn và tỷ lệ sinh lời của các doanh nghiệp sẽ cao hơn, dòng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư sẽ tích cực hơn khi tham gia vào thị trường chứng khoán.
Thống kê từ HoSE cho thấy, sau suốt một năm bán ròng 60.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, xu hướng bán ròng của khối ngoại đã giảm tốc đáng kể. Cụ thể, trong tháng 2/2022, khối ngoại chỉ còn bán ròng 371 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 2.982 tỷ đồng của tháng 1/2022 và các tháng của năm 2021.
“Chứng khoán năm 2022 có thể tăng trưởng 20%, chỉ số VN-Index có thể lên đến 1.800 điểm với kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc vào giai đoạn cuối quý II”, ông Tuấn dự báo.
Nhiều nhóm cổ phiếu hưởng lợi
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect, giá dầu và phân đạm có thể neo ở mức cao do cuộc xung đột Nga – Ukraine. Dự kiến, dầu Brent đạt đỉnh ở vùng giá quanh 105 - 110 USD/thùng, sau đó sẽ dần hạ nhiệt và ổn định quanh mức 90 USD/thùng trong một vài tháng tới nhờ nguồn cung bổ sung tiềm năng đến từ Mỹ, Iran và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Trong khi đó, Nga hiện là nước xuất khẩu phân đạm, NPK hàng đầu thế giới. Dưới tác động của các lệnh trừng phạt và việc Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu để phòng vệ, giá phân bón dự kiến tăng mạnh trong năm 2022.
Vì vậy, nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước sẽ không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà triển vọng dài hạn cũng sẽ được củng cố hơn khi giá dầu cao sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ngành thép, phân bón có thể được hưởng lợi từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, khiến giá bán neo cao và nhu cầu xuất khẩu gia tăng.
“Sự tăng giá trở lại của giá thép trên thế giới trong năm 2022 là tín hiệu tích cực cho nhóm ngành thép. Sau một thời gian điều chỉnh 20%-30%, nhóm ngành ngày đang tích lũy để nền đáy tốt và kỳ vọng sẽ có sự phục hồi đáng kể trong năm 2022”, ông Tuấn nói.
Mới đây, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa ra cảnh báo xung đột tại Ukraine sẽ có tác động lớn đến giá lúa mỳ cũng như giá bánh mỳ của các khách hàng trên khắp thế giới bởi Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất.
“Mặc dù Mỹ và châu Âu đã công bố các biện pháp trừng phạt Nga, nhằm vào lĩnh vực tài chính, nhưng hiện gần như không ảnh hưởng đến các lĩnh vực dầu mỏ và nông nghiệp”, bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc WTO nhấn mạnh.
Dự báo giá lương thực sẽ tăng cao trong thời sắp tới. Theo đó, một số chuyên gia cho rằng, cổ phiếu lúa gạo được đánh giá sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là cổ phiếu của các doanh nghiệp lúa gạo có mảng xuất khẩu.
Hải Giang