Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do ảnh hưởng tiêu cực của dịch cúm Corona, xuất khẩu (XK) thủy sản sang Trung Quốc ngừng trệ, kéo tổng kim ngạch XK thủy sản trong tháng 1/2020 xuống 644 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2019: “nốt trầm” của ngành tôm
Trước đó, giá trị XK thủy sản năm 2019 đạt 9,63 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2018. Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 57,8% tổng giá trị XK thủy sản. Trong đó, XK thủy sản tăng mạnh vào Trung Quốc với mức tăng trưởng 19,7% và Nhật Bản tăng 6,8%. Trong khi đó, XK sang các thị trường lớn khác đều giảm: Mỹ giảm 8,8%, EU (28 nước) giảm 11,8%.
Về chủng loại thủy sản cụ thể, năm 2019, XK tôm của Việt Nam đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4%. Từ năm ngoái, Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc tại biên giới, khiến XK sang thị trường này giảm trong nửa đầu năm. Sang nửa cuối năm, XK tôm hồi phục dần nhờ giá tôm nguyên liệu và XK tăng.
Trong năm 2019, EU là thị trường nhập khẩu (NK) tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,5% tổng giá trị XK. XK tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 689,8 triệu USD, giảm 17,7% so với năm 2018. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020. Theo EVFTA, thuế NK hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, thuế NK tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Mỹ đứng thứ 2 về NK tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4%. Năm 2019, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 653,9 triệu USD, tăng 2,5% so với năm 2018. Nhu cầu NK tôm từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn nhờ Mỹ có xu hướng giảm NK từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh NK từ Trung Quốc.
Năm 2019, XK hải sản Việt Nam đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018, chủ yếu tăng ở cá ngừ (tăng 12%, đạt 728 triệu USD) và các loại cá biển khác (tăng 15%, đạt 1,65 tỷ USD). XK hải sản sang thị trường EU sụt giảm 11,5%, trong đó cá ngừ giảm 11%, mực, bạch tuộc giảm 20%. Kết quả này đã phản ánh hệ lụy của "thẻ vàng" IUU đối với XK hải sản của Việt Nam trong thời gian qua. Trong khi đó, XK hải sản sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng mạnh.
XK mực, bạch tuộc năm 2019 giảm 13% đạt 585 triệu USD, giảm ở tất cả các thị trường. Trong tổng cơ cấu mực, bạch tuộc XK của Việt Nam, bạch tuộc chiếm tỷ trọng cao hơn với 51,1%, mực chiếm 48,9%. Việt Nam vẫn chủ yếu XK các sản phẩm mực, bạch tuộc sống/tươi/đông lạnh (chiếm tỷ trọng 71%), các sản phẩm chế biến vẫn chưa nhiều (chiếm 29%). Hàn Quốc vẫn là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 39,9% tổng XK mực, bạch tuộc; tiếp đến là thị trường Nhật Bản.
Tiếp nối tăng trưởng XK trong 3 năm trở lại đây, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam năm 2019 tăng 10,2% so với năm 2018, đạt hơn 719 triệu USD. Mỹ vẫn ở ngôi vị số 1 trong số các thị trường XK cá ngừ của Việt Nam. Năm 2019, tổng giá trị XK cá ngừ sang thị trường Mỹ đạt 316 triệu USD, tăng gần 38% so với năm 2018, chiếm 44% tổng XK cá ngừ của Việt Nam. Năm qua, xu hướng tiêu thụ cá ngừ ở thị trường Mỹ tích cực hơn, nhất là đối với các sản phẩm cá ngừ đóng hộp, khiến NK của nước này tăng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp (DN) NK cá ngừ Mỹ đã tìm kiếm các nguồn cung thay thế khác từ khu vực lân cận, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, năm qua, Việt Nam tiếp tục là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ, sau Thái Lan.
Năm 2019 có thể nói là “nốt trầm” của ngành cá ngừ Việt Nam tại thị trường EU. Tính cả năm, XK cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này chỉ đạt gần 140 triệu USD, giảm 11,8% so với năm 2018. Sự sụt giảm XK này một phần là do tác động của việc Việt Nam nhận “thẻ vàng” cảnh báo của EU vì chưa đủ nỗ lực trong việc chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Một phần là do các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam NK vào EU bị áp thuế cao, nên khó cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại đến từ các nước được hưởng ưu đãi thuế quan như Ecuador, Philippines.
Dự báo, XK cá ngừ của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020 sẽ tăng chậm do lượng tồn kho tại các thị trường đang ở mức cao, nhưng sẽ tăng tốc về cuối năm. Dự báo giá trị XK cá ngừ trong cả năm 2020 sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2019.
Cơ hội cho thủy sản đóng hộp
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch cúm virus Corona khiến XK thủy sản sang Trung Quốc giảm mạnh trong tháng đầu năm 2020. Hiện tại, một số DN cá tra, cá ngừ, tôm đang bị chậm hợp đồng do ngân hàng phía Trung Quốc chưa mở cửa. Dự kiến tới 16/2, phía Trung Quốc mới có thể thanh toán các đơn hàng vận chuyển theo đường biển. Đây là điều khiến các DN lo ngại nhất.
Thứ hai là một số hãng tàu biển lớn đã ngưng nhận hàng đi Trung Quốc. Thứ ba là các khách hàng lớn về thủy sản như Nhật Bản đã đề nghị không đi qua ngả Trung Quốc.
“Chúng tôi tiên lượng rằng hợp đồng mới có thể nhận được, song số lượng sẽ giảm. Một số DN XK nhiều sang Trung Quốc đang bị tồn kho. Chi phí bảo quản đông lạnh không hề nhỏ, dù kho của DN hay đi thuê, ước tính ít nhất 0,9 - 1 USD/đơn vị hàng. Khi các hệ thống nhà hàng Trung Quốc ngừng tiêu thụ hoặc giảm tiêu thụ cũng ảnh hưởng đến XK của Việt Nam”, ông Nam chia sẻ.
VASEP đang tích cực tìm hiểu thông tin, động viên DN. Hiệp hội thấy có 2 cơ hội: Một là những nhà NK ở Trung Quốc cho biết Việt Nam nên chuẩn bị hàng đông lạnh, hàng đồ hộp. Với những dịch như Corona lần này, văn hóa ăn uống sẽ thay đổi, khách hàng sẽ chuyển sang đồ hộp thay vì hàng tươi sống như trước.
Cơ hội thứ hai là một số ngành đang cạnh tranh với Việt Nam như cá ngừ Trung Quốc đang bị giảm sâu. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến Mỹ tăng thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa NK từ Trung Quốc, trong đó có thủy sản. XK tôm của Trung Quốc sang Mỹ càng thêm khó khăn, tạo cơ hội cho các nguồn cung đối thủ của Trung Quốc trên thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà XK tôm trên thế giới. Hiện nay, do dịch cúm virus Corona bùng phát tại Trung Quốc sẽ khiến nhiều thị trường lớn giảm NK hàng hóa từ Trung Quốc.
“Đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam tăng tốc XK vào Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… và là lúc DN Việt Nam cần tranh thủ thị phần, nhất là ở châu Âu, châu Mỹ”, ông Nam nói.
Chu Khôi