Mặc dù quyết định của Bộ Tài chính Mỹ chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng, song nó cho thấy mối quan hệ xấu đi nhanh chóng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ăn miếng trả miếng
Thông báo của Mỹ được đưa ra rất nhanh sau tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc - ông Yi Gang, rằng quốc gia này sẽ không sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) như một công cụ để giải quyết các tranh chấp thương mại. “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng đồng NDT sẽ vẫn là một loại tiền tệ mạnh bất chấp những biến động gần đây trong bối cảnh bất ổn bên ngoài”, ông Yi cho biết hôm 5/8.
Tổng thống Trump phản ứng mạnh trước việc đồng NDT giảm sâu qua ngưỡng quan trọng 7 NDT đổi 1 USD. Trên trang twitter của mình, Tổng thống Mỹ viết: “Trung Quốc đã giảm giá tiền tệ của họ xuống gần mức thấp lịch sử. Đó được gọi là “thao túng tiền tệ”. Cục Dự trữ Liên bang có nghe thấy không vậy? Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng sẽ làm Trung Quốc yếu đi rất nhiều theo thời gian!”.
Căng thẳng thương mại hai nước leo thang sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trở về từ phiên đàm phán với phía Trung Quốc tại Thượng Hải vào tuần trước mà không đạt được bước tiến nào. Tổng thống Trump sau đó liền đánh thuế bổ sung 10% đối với khoảng 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc kể từ ngày 1/9 tới đây.
Trung Quốc cũng không cam chịu lâu, khi quyết định thả cho đồng NDT giảm giá mạnh và tuyên bố ngừng mua hàng nông sản của Mỹ.
Các chuyên gia nhận định bước đi của cả hai bên chẳng giúp ích được gì cho tình cảnh hiện nay mà chỉ khiến thị trường thêm hỗn loạn.
Việc Mỹ liệt một quốc gia nào đó vào danh sách “thao túng tiền tệ” không đồng nghĩa sẽ có hành động trừng phạt nào đi kèm đồng thời. Thông thường, Bộ Tài chính Mỹ lập danh sách này trong các báo cáo bán niên trình Quốc hội. Tuy nhiên, động thái lần này không tuân theo quy trình đó.
Ngoài ra, trước khi chính thức công bố quyết định, chính phủ Mỹ phải làm việc với chính phủ của nước bị cáo buộc thao túng tiền tệ. Nhưng giới chức Bắc Kinh và Washington đã đàm phán với nhau cả năm trời rồi mà chẳng đi đến đâu. Nếu một năm sau khi bị liệt vào danh sách “thao túng tiền tệ” mà tình hình không có tiến triển, Trung Quốc có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các gói thầu của của chính phủ Mỹ.
Trung Quốc sẽ không sử dụng đồng NDT như một công cụ để giải quyết các tranh chấp thương mại |
Đã “phạm” hay chưa?
Eswar Prasad - một chuyên gia kinh tế tại Đại học Cornell, từng làm việc trong bộ phận theo dõi Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng nước này chưa “phạm” phải các tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ để bị xem là thao túng tiền tệ. Hiện nay, Mỹ đang áp dụng 3 tiêu chí để đánh giá xem một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không, bao gồm thâm hụt thương mại của nước đó với Mỹ, lịch sử can thiệp tiền tệ và cán cân tài khoản vãng lai.
“Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra một quyết định có phần tùy tiện về thao túng tiền tệ, vì Trung Quốc hầu như chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí liên quan”, chuyên gia Prasad cho hay, đồng thời cho rằng các tiêu chí đó đang phơi bày nhiều bất cập.
Ông Mark Sobel - từng là công chức có 40 năm làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng cán cân vãng lai của Trung Quốc gần đạt tới trạng thái cân bằng. “Thời gian qua nước này không được can thiệp tiền tệ… Xét theo các tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ về báo cáo ngoại hối thì Trung Quốc thậm chí còn chưa thể đáp ứng các điều kiện về thao túng tiền tệ”, ông Sobel bổ sung thêm.
Tháng 6 vừa qua, ông Mnuchin tuyên bố Trung Quốc đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng NDT và cảnh báo nước này có thể bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ. “Tôi nghĩ rằng không phải ngẫu nhiên mà tỷ giá tăng từ khoảng 6,30 lên 6,90 NDT đổi 1 USD”, ông Mnuchin phát biểu hôm 8/6 sau cuộc họp G20 tại Fukuoka, Nhật Bản.
Hải Châu