Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 3/2022, khối lượng thép thành phẩm xuất khẩu đạt 956.000 tấn, tăng 75,41% so với tháng 2/2022, nhưng giảm 22,8% so với tháng 3/2021. Kim ngạch xuất khẩu thép thành phẩm trong tháng 3 đạt 908,63 triệu USD, tăng 71,87% so với tháng 2, tăng 1,05% so với cùng kỳ.
Lượng thép xuất khẩu trong quý I đạt khoảng 2,275 triệu tấn, với kim ngạch 2,3 tỷ USD, tương ứng giảm 22,15% và tăng 12,53% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh: Int) |
Trong quý I/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 8,456 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 8,137 triệu tấn, tăng 11,9%.
Lũy kế 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,275 triệu tấn thép thành phẩm, giảm 22,15% so với cùng kỳ; tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt tới 2,3 tỷ USD, tăng 12,53%.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của thép Việt Nam trong quý I/2022 là khu vực ASEAN với 40,57% thị phần, khu vực EU: 19,32%, Mỹ: 8,34%, Hàn Quốc: 6,97%, Hồng Kông (Trung Quốc): 3,91%.
Trong khi đó, lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 3/2022 đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,14 tỷ USD, tăng mạnh cả về lượng (23%) và về kim ngạch (22,36%) so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế quý I/2022, lượng thép thành phẩm các loại nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 3,1 tỷ USD, tuy giảm 18,04% về lượng nhưng lại tăng tới 18,84% về kim ngạch.
Căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiều loại nguyên liệu, trong đó có sắt thép tăng rất mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 5,4%. Nhu cầu thép của thế giới hiện vẫn tăng mạnh trong khi nguồn cung không thể đáp ứng đủ thị trường.
Phương Linh