Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 10/2020, trận lũ lịch sử kéo dài hơn 2 tuần tại miền Trung Việt Nam và đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường xuất khẩu chính, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu ngành hàng rau quả.
Rau quả đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới. |
Phân tích về thị trường, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường đều tăng, trừ thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong.
Trong tháng 9/2020, hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 121 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,43 tỷ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang thị trường này giảm mạnh từ mức 68,6% trong 9 tháng đầu năm 2019, xuống còn 57,5% trong 9 tháng đầu năm 2020.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hàng rau quả là nhóm hàng giảm mạnh trong cơ cấu mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc ngày càng khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến sức tiêu thụ tại thị trường này giảm mạnh, chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi liên tục theo hướng thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu cao về chất lượng, tính an toàn của nông sản, thực phẩm. Do đó, chất lượng hàng rau quả có yêu cầu cao hơn trước.
Mặc dù khó khăn, Trung Quốc vẫn là thị trường rất tiềm năng cho hàng rau quả của Việt Nam, với hơn 1,4 tỷ dân, cùng với 50 triệu khách du lịch hàng năm đã tạo ra thị trường có sức tiêu dùng rất lớn. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hàng năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản, trong đó các mặt hàng rau quả chiếm 9 - 10 tỷ USD. Theo đó, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của Trung Quốc.
Trong tháng 9/2020, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Thái Lan tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Thái Lan trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, do hàng nông sản xuất khẩu sang Thái Lan có yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao, tương đương với tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu.
Đặc biệt, sau khi Thái Lan ban hành tiêu chuẩn mới về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu thì một vài đơn hàng thanh long của Việt Nam sang Thái Lan đã bị trả lại nguyên nhân do vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cho đến nay, Thái Lan chỉ mới chính thức cấp giấy phép cho bốn loại trái cây của Việt Nam vào thị trường này là thanh long ruột đỏ và ruột trắng, xoài, nhãn, vải.
Trong bối cảnh xuất khẩu hàng rau quả kém khả quan trong những tháng tới, từ giữa tháng 10/2020, Chile đã chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi từ Việt Nam với yêu cầu phải qua chiếu xạ để kiểm soát ruồi đục và được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng thư xuất khẩu.
Trước đó, EU cũng cho phép nhập khẩu chính thức trái bưởi của Việt Nam theo Hiệp định thương mại tư do EU - Việt Nam (EVFTA). Dự kiến cuối năm 2020, trái bưởi tươi cũng được cấp phép chính thức xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, trái bưởi cũng là loại trái cây đang được ưu tiên đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sau sầu riêng.
Lê Thúy