Theo ước tính từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 3/2022 đạt 340 triệu USD, giảm 15,4% so với tháng 3/2021. Tính chung, 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 849 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu tổng hợp từ Tổng cục Hải quan. |
Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu, mặt hàng quả chiếm tỷ trọng cao nhất trong 2 tháng đầu năm 2022, đạt 353,6 triệu USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chủng loại quả chủ yếu được xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022, nên trị giá xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh là yếu tố chính làm giảm trị giá xuất khẩu chung của ngành hàng này.
Theo đánh giá từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nguyên nhân chính khiến xuất khẩu giảm là do tình trạng ùn ứ xe nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc kéo dài từ cuối năm 2021 đến nay. Trong đó, chủng loại quả thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 124,1 triệu USD, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm 2022, đạt 120,8 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu chủ yếu tới các thị trường: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, trị giá xuất khẩu sang 4 thị trường này chiếm 47,7% tổng trị giá xuất khẩu chủng loại sản phẩm chế biến. Trị giá xuất khẩu sang 3 thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tăng khá tốt, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 15,3 triệu USD.
Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm 2022 còn một số chủng loại hàng rau quả xuất khẩu như rau củ, hoa và lá, nhưng trị giá xuất khẩu những chủng loại này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu mặt hàng rau quả xuất khẩu.
Trong đó, mặt hàng hoa xuất khẩu đạt 11,1 triệu USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng hoa xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, trị giá xuất khẩu sang 2 thị trường này chiếm 88% tổng trị giá xuất khẩu hoa.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững phải được xem trước hết là cuộc cách mạng về “tổ chức lại sản xuất”, sau đó mới đến cách mạng về khoa học công nghệ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp số…, rồi chính sách tín dụng, đầu tư hạ tầng…
Ông nhấn mạnh, không chỉ là câu chuyện riêng về chanh leo, xoài Sơn La mà cả câu chuyện về thanh long Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, rồi đây sẽ là sầu riêng Tây Nguyên, cây có múi ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ… cần phải tổ chức lại liên kết sản xuất.
Bộ trưởng Hoan nhìn nhận thực tế các địa phương hay kêu gọi doanh nghiệp về địa phương mình để liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản nhưng thường không chú ý đến rủi ro do chính người nông dân tạo ra, thiếu quan tâm đến “tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng”, bao gồm doanh nghiệp, thương lái, nhà vựa….
"Điều này cho thấy cần củng cố, nâng cao năng lực cho HTX là quan trọng như thế nào và nâng cao nhận thức của nông dân về sự đánh đổi giữa lợi ích trước mắt và lợi ích khi liên kết lâu dài với doanh nghiệp như thế nào. Bài học về vú sữa Lò Rèn Tiền Giang một thời đình đám, xuất khẩu sang Mỹ vẫn còn đó….", Bộ trưởng NN&PTNT chia sẻ.
Lê Thúy