Sáng ngày 28/6, Bộ NN&PTNT công bố báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 27,88 tỷ USD. |
Theo tính toán, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,8%; trong đó, nông nghiệp tăng 2,31%, chăn nuôi tăng 5,7%; lâm nghiệp tăng 4,97%; thủy sản tăng 4,15%.
Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm dự kiến đạt khoảng 2,7 - 2,8%; trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,2%; lâm nghiệp tăng khoảng 4,8%; thủy sản tăng khoảng 4,05%.
Bộ NN&PTNT cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; ứng phó với tác động của dịch COVID-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Nhờ vậy góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Trong đó nhóm nông sản chính 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3,0; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; chăn nuôi 176 triệu USD, giảm 15,9%; đầu vào sản xuất 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%.
Đóng góp vào thành công đó, có 09 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 01 tỷ USD (cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất).
Về thị trường xuất khẩu, có 4 thị trường (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó 2 thị trường lớn nhất (Hoa Kỳ và Trung Quốc) thời gian qua được duy trì tốt.
Nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm khoảng 22,1 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt khoảng 5,75 tỷ USD, gấp 2 lần so với 6 tháng năm 2021.
Về triển vọng phát triển trong 6 tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT đánh giá nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại, như áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; nguy cơ xuất hiện biến chủng mới mặc dù nước ta đã kiểm soát dịch COVID-19; rủi ro từ xung đột quân sự Nga - Ukraine....
Trước những thách thức trên, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và xung đột quân sự Nga - Ukraine.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành 2,8 - 3,0% (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%), giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,9 - 3,1%.
Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 khoảng 55 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD), Bộ NN&PTNT cho rằng cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm. Trong đó, nông sản chính 25 tỷ USD; Lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; Thủy sản 10 tỷ USD; Các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.
Lê Thúy