Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo về kết quả tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường 8 tháng/2022. 8 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu (XK) ước khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu (NK) ước khoảng 29,9 tỷ USD, tăng 3,9%; xuất siêu trên 6,3 tỷ USD, tăng 94,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thủy sản đạt trên 7,5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022. |
Cụ thể, tháng 8/2022, kim ngạch XK ước gần 4,4 tỷ USD, tăng 32,0% so với tháng 8/2021, tăng 0,3% so với tháng 7/2022; trong đó, nhóm nông sản chính trên 1,8 tỷ USD, lâm sản chính trên 1,4 tỷ USD, thủy sản 893,8 triệu USD và chăn nuôi 41,6 triệu USD,…
Tính chung 8 tháng, kim ngạch XK ước gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%.
8 tháng đầu năm, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị XK trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ). Một số sản phẩm có giá trị XK bình quân tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Phân bón các loại giá bình quân khoảng 639 USD/tấn, tăng 79,3%; hạt tiêu khoảng 4.434 USD/tấn, tăng 33,3%; cà phê khoảng 2.268 USD/tấn, tăng 21,7%,… Ngược lại, giá XK bình quân gạo (487 USD/tấn) và hạt điều (5.972 USD/tấn) giảm lần lượt 8,8% và 3,1%.
Về thị trường XK, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 9,6 tỷ USD (chiếm 26,4% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị XK đạt trên 2,7 tỷ USD (chiếm 7,4%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt trên 1,7 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Ở chiều ngược lại, tính chung 8 tháng, kim ngạch NK các mặt hàng nông lâm thủy sản ước trên 29,9 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 18,3 tỷ USD, tăng 1,1%; nhóm hàng thủy sản ước trên 1,9 tỷ USD, tăng 37,5%; nhóm lâm sản chính trên 2,2 tỷ USD, tăng 3,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi gần 2,1 tỷ USD, giảm 10,8%; nhóm đầu vào sản xuất ước gần 5,4 tỷ USD, tăng 12,0%.
Về thị trường NK, Mỹ, Trung Quốc, Argentina là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 8 tháng, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu ước đạt lần lượt là 8,52% (nhưng giá trị NK giảm 3,0%), 8,49% (+20,0%) và 8,34% (+13,53%).
Bộ NN&PTNT đánh giá trước những khó khăn về thị trường, Bộ đã phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, Asean, Úc - New Zealand, Trung Đông).
Kết qủa, Mỹ tiếp tục công nhận tương đương và bổ sung 6 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 19 doanh nghiệp được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá da trơn. EU công nhận bổ sung 14 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 531 doanh nghiệp được xuất khẩu.
Trong tháng 8, Bộ NN&PTNT đã tổng hợp được 58 thông báo dự thảo quy định về SPS của các nước thành viên thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); xử lý 2 cảnh báo của EU; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định tại Lệnh 248, 249.
Đồng thời, Bộ cho biết đang đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản chủ lực như: sầu riêng, khoai lang, ớt, chanh leo, nhãn, bưởi, xoài sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc…
Nhật Linh