Ông Thái Văn Xuân, Phó Tổng Giám đốc CTCP IMG Phước Đông – chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) cầu cảng Phước Đông ở huyện Cần Đước, Long An, cho biết có khá nhiều doanh nghiệp (DN) Ấn Độ đang muốn rót vốn đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN Phước Đông, từ các DN trong ngành cơ khí, năng lượng cho đến chế biến nông sản.
Theo ông Xuân, điều này đến từ việc kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng trưởng mạnh thời gian gần đây và có thể mang lại nhiều triển vọng tốt cho các nhà đầu tư Ấn Độ trong tương lai.
Nhiều cửa sáng
Số liệu được đưa ra tại buổi gặp gỡ giữa đoàn DN Ấn Độ với giới DN Tp.HCM ngày 10/7 cho thấy tính đến cuối năm ngoái, các công ty Ấn Độ đã đầu tư vào 224 dự án lớn tại Việt Nam với tổng nguồn vốn 900 triệu USD.
Nếu bao gồm đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam thông qua quốc gia thứ ba như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore thì dòng vốn rót vào đến nay có thể là 1,6 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chính là năng lượng, thăm dò khoáng sản, chế biến nông sản, sản xuất đường, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin, dệt may, linh kiện ô tô…
Ông K.Srikar Reddy, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Tp.HCM, nhận định các công ty Ấn Độ có mối quan tâm ngày càng tăng trong việc đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, cả về thương mại song phương và để từ đây có thể tiếp cận sâu hơn vào thị trường khu vực Đông Á.
Dẫn số liệu của Chính phủ Ấn Độ, ông K.Srikar cho biết riêng từ tháng 4/2018 – 3/2019, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng hơn 67,6%, đạt 13,92 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu (XK) của Ấn Độ sang Việt Nam trị giá khoảng 6,51 tỷ USD và nhập khẩu (NK) của Ấn Độ từ Việt Nam trị giá khoảng 7,4 tỷ USD.
“Với chính sách thương mại ngày càng cởi mở hơn từ Việt Nam, ASEAN và Ấn Độ, mức XK của Việt Nam sang Ấn Độ hồi năm ngoái đã tăng hơn 70% vì có những mặt hàng XK đã đạt mức thuế suất 0%”, ông K.Srikar nói.
Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ (AITIG) đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường Ấn Độ khi nhiều sản phẩm XK của Việt Nam được hưởng mức thuế suất 0%, góp phần đẩy mạnh kim ngạch XK vào Ấn Độ.
Năm 2018, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Trong năm tới, kim ngạch thương mại giữa hai nước được dự báo có thể lên mức 15 tỷ USD.
Một số mặt hàng nông sản, thực phẩm chủ lực của Việt Nam được cho là vẫn tiếp tục nhắm đến thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, điểm hạn chế là nông sản Việt xuất thô vào thị trường này quá nhiều, còn bán qua trung gian, còn bị ép giá. Đặc biệt, tuy XK với số lượng lớn vào Ấn Độ nhưng nông sản Việt lại chưa xây dựng được thương hiệu… nên giá trị kim ngạch XK hàng nông sản chưa cao.
Ngoài ra, một số hoạt động bảo hộ của Ấn Độ cũng làm cho nông sản XK gặp khó khăn. Đơn cử như thời gian qua, nhiều hiệp hội, nhà máy sản xuất và chế biến hạt điều ở Ấn Độ đã liên tục đề nghị Chính phủ có biện pháp hạn chế và kiểm soát hạt điều nhân NK. Thậm chí còn cho rằng hạt điều nhân giá rẻ, chất lượng thấp của Việt Nam đã xâm nhập vào thị trường nội địa, gây biến động về giá.
Các nhà thu mua Ấn Độ quan tâm đến nông sản Việt |
Chủ động thâm nhập
Tháng 6 vừa qua, Ấn Độ tăng giá NK tối thiểu (MIP) đối với mặt hàng hạt điều nhân, vỡ (Mã HS code: 08013210) từ mức giá giao hàng tại cảng dỡ hàng (CIF) 288 rupee/kg gấp 2,4 lần lên 680 rupee/kg.
Ấn Độ cũng tăng 1,8 lần giá MIP đối với mặt hàng hạt điều nhân, nguyên (mã HS Code: 08013220) từ mức giá CIF 400 rupee/kg lên 720 rupee/kg. Tất cả trường hợp NK với mức giá dưới mức MIP nêu trên đều bị cấm.
Sản phẩm điều Ấn Độ NK từ Việt Nam chủ yếu là hạt điều nhân, nguyên và hạt điều nhân, vỡ. Với mức giá MIP mới, cộng với mức thuế NK 45% được cho là sẽ gây khó khăn cho hoạt động XK hạt điều nhân của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ.
Thực tế, trong giao thương giữa hai nước như hiện nay có thể thấy rõ sự chủ động của các DN Ấn Độ khi liên tục đến Việt Nam để tìm kiếm các đối tác NK hàng hóa của mình.
Trong khi đó, số lượng các DN Việt Nam chủ động đến Ấn Độ để tiếp cận các đối tác thu mua còn rất khiêm tốn, một phần vì DN chưa quan tâm đúng mức đến thị trường Ấn Độ, ngại khó, hạn chế sự hiểu biết về thị trường.
Giới chuyên gia cho rằng các DN Việt cần mạnh dạn đưa hàng nông sản thương hiệu Việt Nam xâm nhập thị trường Ấn Độ bằng cách tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.
Chẳng hạn DN có thể đem hàng nông sản thương hiệu Việt tham gia các hội chợ, triển lãm, gửi bán tại các siêu thị, quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời tiến hành các chiến dịch quảng bá trực tiếp hàng nông sản Việt đến người tiêu dùng của họ.
Thế Vinh