Các nhà máy điện ở Ấn Độ, nước có trữ lượng than lớn thứ năm trên thế giới, đã nhập khẩu than tăng hơn 40% trong giai đoạn tháng 1 - 4/2019 so với một năm trước, theo dữ liệu từ Cơ quan Điện lực Trung ương (CEA).
Gánh nặng cho ngành nhiệt điện
Chính phủ Ấn Độ đã thông qua một số chính sách mở cửa hoạt động khai thác than, cho phép các công ty khai thác tư nhân được tham gia và gỡ bỏ một phần hạn chế đối với việc bán các sản phẩm than bị hạn chế kinh doanh, tuy nhiên thực tế không có nhiều chuyển biến tích cực.
Nguyên nhân là do những vướng mắc thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện các chính sách mở cửa, ví dụ như công tác tổ chức đấu thầu khai thác các mỏ than. Bên cạnh đó, các tổ chức đại diện cho công nhân tại doanh nghiệp quốc doanh Coal India cũng phản đối quyết liệt chủ trương mới.
Nhập khẩu than tăng vọt của Ấn Độ mang lại cơ hội cho các công ty khai thác như Adaro Energy (Indonesia), Adani Enterprises và Glencore, vốn đang phải đối mặt với sự sụt giảm cơ cấu trong nhu cầu than.
Điều này cũng ảnh hưởng đến nỗ lực của chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi nhằm giảm nhập khẩu và tạo thêm gánh nặng cho ngành nhiệt điện đang ngập trong nợ nần.
Ở Ấn Độ, dân số tăng nhanh, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chương trình điện khí hóa của chính phủ cũng như việc thiếu các phương án thay thế (ví dụ như khí đốt tự nhiên) đã góp phần làm tăng nhu cầu than nhiệt.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm CARE Ratings dự báo quá trình điện khí hóa nông thôn Ấn Độ sẽ góp phần làm tăng 5 - 6% nhu cầu điện trong năm 2019 - 2020, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu than nhiệt.
Một yếu tố khác kích thích nhập khẩu than là việc giá than nhiệt sụt giảm do nguồn cung dồi dào và suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như xu hướng sử dụng nhiên liệu sạch thay thế cho than đang lan rộng trên thế giới.
Tháng 2/2018, nội các Ấn Độ đã thông qua chính sách bán đấu giá các mỏ than cho doanh nghiệp tư nhân để họ tự do bán và ấn định giá, chấm dứt tình trạng gần như độc quyền của hai doanh nghiệp nhà nước là Coal India và Singreni Collieries.
Tháng 2 vừa qua, Ấn Độ lại chấp thuận đề xuất bán 25% sản lượng các mỏ than tự khai thác và tiêu dùng tại chỗ, chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà máy điện và nhà máy thép.
Tuy nhiên, một số vướng mắc về thủ tục trong quá trình thực thi, kết hợp với phản ứng dữ dội từ các nghiệp đoàn đã khiến kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài phải tạm gác lại.
Chương trình điện khí hóa của Ấn Độ đã góp phần làm tăng nhu cầu than nhiệt |
Chính sách bất lực
Ông Virjesh Upadhyay - Thư ký nghiệp đoàn Bharatiya Mazdoor Sangh (BMS), cho biết họ không tán thành việc mở cửa ngành than. BMS tự tin có sự ủng hộ của một nửa trong tổng số 300.000 công nhân Coal India. “Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng - chúng tôi phản đối việc tư nhân hóa nguồn tài nguyên than đá của quốc gia”, ông Upadhyay nói.
Coal India đã không hoàn thành chỉ tiêu sản lượng hàng năm trong 7 năm qua, mặc dù đã tăng sản lượng 7% lên 607 triệu tấn trong năm tài khóa 2018 - 2019. Đại diện công ty từ chối bình luận về chương trình mở cửa của chính phủ và chỉ thông tin về kế hoạch sản xuất 660 triệu tấn than trong năm tài chính 2019 - 2020.
Ông Ashok Khurana - người đứng đầu Hiệp hội Các nhà sản xuất điện tư nhân (APP), cho biết “chừng nào phản ứng chính sách của chính phủ đối với sự khan hiếm than vẫn chỉ dừng ở việc yêu cầu Coal India sản xuất thêm, thì tình trạng khan hiếm vẫn cứ diễn ra”.
Tổng công ty Sản xuất và Phân phối điện Tamil Nadu (Tangedco) là một ví dụ điển hình cho việc Ấn Độ ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu than. Công ty này nhập khẩu hơn gấp đôi trong 4 tháng đầu năm 2019, theo báo cáo của CEA.
“Coal India và Indian Railways không thể thực hiện được các cam kết của mình. Nguồn dự trữ tại các nhà máy nhiệt điện của chúng tôi đã giảm xuống mức nguy hiểm và chúng tôi phải liên tục nhập khẩu,” Chủ tịch của Tangedco - ông Vikram Kapur, cho biết.
Hải Châu