Dữ liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 20% so cùng kỳ và hoàn thành 89% kế hoạch năm.
Với mức xuất khẩu này đã đưa kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng qua lên gần 3,2 tỷ USD, tăng hơn 34% về giá trị.
Trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Ghana... là những quốc gia nhập gạo Việt Nam nhiều nhất, với mức tăng trưởng có thị trường đến hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng cục Hải quan cho biết, 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. |
Trong 4 tháng cuối năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ số lượng đơn hàng hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng, khu vực châu Á nói chung sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới trong bối cảnh tình trạng căng thẳng nguồn cung gạo vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ghi nhận giá gạo tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: Nếu năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu đạt 7,2 triệu tấn gạo, trong đó, có thêm nguồn nhập bù từ Ấn Độ 500.000-700.000 tấn, 300.000 tấn từ Campuchia. Còn năm nay, nguồn nhập từ các quốc gia này bị cắt giảm do lệnh cấm của Ấn Độ. Vụ lúa Thu Đông dù thời tiết bình thường, sản lượng lúa gạo cũng chỉ tương đương năm 2022.
Bên cạnh đó, tình trạng lúa gạo “sốt giá” khiến nông dân bán sang tay quá nhiều. Số lượng cò lái tăng nhanh và họ đang làm nhiễu loạn thị trường khiến cho nhiều doanh nghiệp bị nông dân "bẻ kèo". Họ không chỉ mất tiền cọc mà không thu mua được lúa từ nông dân đã liên kết trước đó.
Trước tình hình đó, tại Hội nghị Sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, được tổ chức hồi tháng 8, một số địa phương cho rằng cần tận dụng thời cơ xuất khẩu gạo nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực cho nội địa. Đặc biệt, trong bối cảnh giá lúa gạo trong những năm gần đây đầy biến động, thậm chí nguồn cung trong nước tại một số thời điểm bị mất cân đối. Do đó, nếu hạn mức tín dụng cao sẽ giúp các doanh nghiệp thu mua được số lượng lớn, đảm bảo nguồn cung cho các hợp đồng đã ký với đối tác.
Tuy nhiên, hiện phần lớn các thương nhân đều đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động.
Cụ thể, tại những thời điểm thu hoạch chính vụ, công tác thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) cho các thương nhân xuất khẩu gạo.
Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị tăng hạn mức tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của ngành lúa, gạo với thời hạn và lãi suất hợp lý; linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Trong việc hỗ trợ vốn kinh doanh xuất khẩu gạo, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước định hướng hạn mức tín dụng cho ngành lúa gạo từ 14% - 15%, cao hơn những năm trước đây, cho nên về mặt đáp ứng nguồn vốn là không bị vướng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6/2023, dư nợ cho vay ngành lúa, gạo đạt khoảng 196.000 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cuối năm 2022, chiếm 7% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với trên 250.000 khách hàng còn dư nợ. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với thời điểm cuối năm 2022, trong khi bình quân mức tăng trưởng tín dụng chung là 2,06%.
Thanh Hoa