Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng dành riêng cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản, với lãi suất cho vay thấp hơn thị trường 1-2%/năm vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, theo đánh giá của chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu là thiết thực. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, song hành với đó, các doanh nghiệp cũng cần giải quyết đầu ra thì gói này mới phát huy được hiệu quả.
Khơi thông dòng vốn vào ngành thuỷ sản
NHNN cho biết, xuất khẩu thuỷ sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên, nên các ngân hàng luôn tập trung tín dụng cho các doanh nghiệp và đặc biệt không hạn chế khối lượng tín dụng cho vay nhóm này.
Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy, tính đến thời điểm tháng 5, dư nợ tín dụng dành cho ngành thuỷ sản, lâm sản tại một số ngân hàng lớn như sau: Agribank có dư nợ lĩnh vực thuỷ sản là 59.000 tỷ đồng; BIDV có dư nợ cho vay lâm sản và thuỷ sản đạt 88.000 tỷ đồng; Vietcombank là 155.000 tỷ đồng.
Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng giúp khơi thông dòng vốn vào ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản |
Nhìn vào những con số trên, rõ ràng lượng vốn chảy vào ngành lâm sản và thuỷ sản trong thời gian qua không phải nhỏ. Tuy nhiên, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu vốn cho hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến thuỷ sản vẫn rất cao. Đặc biệt, theo dự báo của các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm, cũng như các dịp lễ hội lớn.
Vì vậy, VASEP cho hay, dòng vốn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản rất cấp thiết trong nửa cuối năm. Theo đó, các doanh nghiệp cần gói tín dụng dành riêng cho lĩnh vực này với lãi suất ưu đãi.
Ngày 19/7, NHNN cho biết, 12 ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng cho vay thuỷ sản, lâm sản với tổng vốn đăng ký là 15.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi giảm 1 - 2% so với mức bình thường. Bên cạnh đó, NHNN khuyến khích các ngân hàng khác tiếp tục đăng ký cho vay.
Nhận được thông tin này, Công ty cổ phần Thuỷ sản sạch Việt Nam cho biết, đón mùa cao điểm cuối năm, công ty đã chuẩn bị dòng tiền phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, nếu có thêm vốn lưu động với lãi suất hợp lý, công ty sẽ có thêm nguồn lực để thu mua nguyên liệu của bà con nông dân với giá cao hơn.
12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia gói tín dụng cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản gồm: Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank và SHB.
"Có nguồn tiền lãi suất thấp thì chúng tôi tăng cường lượng dự trữ, tăng giá mua tôm cho bà con, giúp bà con có điều kiện duy trì sản xuất, đồng thời giá thành sản phẩm xuất khẩu vẫn cạnh tranh với các quốc gia khác", ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ sản sạch Việt Nam nói.
Doanh nghiệp "dễ thở" hơn
Nhận định về chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 15.000 tỷ đồng vừa được công bố, một chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện tại, khi lãi suất USD tại Mỹ vẫn đang "neo" ở mức cao, và dự báo các đợt tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ chưa có dấu hiệu dừng thì lãi suất vay USD tại Việt Nam rất khó để có thể hạ thấp trong thời gian tới.
Do đó, các ngân hàng thương mại hạ lãi suất vay 1- 2% và cấp hạn mức nới thêm sẽ là hỗ trợ quan trọng để các doanh nghiệp ngành lâm, thủy sản - vốn phải dành chi phí lớn để vận hành kho bãi, bảo quản hàng tồn kho "dễ thở" hơn. Các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để tăng thu mua nguyên liệu, vừa giúp chính doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu để chế biến, trữ hàng phục vụ xuất khẩu trong các quý tiếp theo, vừa giúp nông dân yên tâm tiếp tục nuôi trồng giữ vững chuỗi sản xuất, sẵn sàng cho đến khi các thị trường nhập khẩu phục hồi sức mua.
Còn theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện doanh nghiệp ngành lâm, thuỷ sản đang gặp phải 2 khó khăn chính: Thứ nhất là dòng vốn cho vay đang bị siết lại do ngân hàng lo ngại thị trường chưa ấm lên sẽ dẫn đến nợ xấu. Thứ hai là các nước châu Âu, Mỹ đang thắt chặt chính sách tiền tệ từ đó tổng cầu giảm, nhu cầu về thuỷ hải sản giảm, nên các doanh nghiệp cũng giảm sút đơn hàng.
“Với mức lãi suất thấp hơn thị trường 1-2%, mặc dù chưa phải là thấp, nhưng trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành này đang gặp nhiều khó khăn thì ít nhiều cũng là giải pháp tốt”, ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng, việc khơi thông dòng vốn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là rất quan trọng, nhưng đầu ra cho sản phẩm cũng quan trọng không kém. Bởi vì bơm vốn vào, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, nhưng lại chưa gỡ được đầu ra do nhu cầu thị trường suy giảm thì lại dẫn tới vòng luẩn quẩn hàng không bán được, nợ nần nhiều.
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần giải quyết khâu thị trường”, ông Hiếu cho hay.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, từ nay tới cuối năm, gói tín dụng cho ngành lâm, thuỷ sản tạo tín hiệu tích cực không những cho doanh nghiệp xuất khẩu mà cả cho các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm thị trường trong nước.
“Nguồn vốn tín dụng 15.000 tỷ đồng được 12 ngân hàng cam kết, mặc dù chưa phải là lớn cho cả ngành, nhưng là cửa sáng cho các doanh nghiệp và tôi tin từ nay đến cuối năm, ngành này sẽ có khởi sắc nhất định”, TS. Hiếu nhận định.
Huyền Anh